Dao được giới tài chính TQ đánh giá là có quyền hành rất lớn, nên mới gọi ông ta là "vua phân phối cổ phiếu".
Hơn nữa, “ông vua” này không chỉ một mình tham nhũng, mà còn cấu kết với một mạng lưới bạn bè, cấp dưới, người thân cùng tham gia để trục lợi.
Bạn bè hối lộ cho “con vua”
Dao không phải là quan chức đầu tiên của CSRC bị điều tra, nhưng là quan chức quyền hành bậc nhất cơ quan này.
Trương Dục Quân, một phó chủ tịch khác của CSRC vừa bị miễn chức vì tham nhũng vào ngày 10.9, từ trước đến nay chỉ là trợ lý, quyền hành không thể bằng Dao, người giữ chức phó chủ tịch CSRC từ năm 2008 đến nay.
Thậm chí, nếu so về danh tiếng trong giới tài chính, Dao còn vượt trội hơn cả Tiếu Cương, Chủ tịch CSRC.
Với quyền hành và danh tiếng lớn như vậy, mạng lưới quan hệ của Dao tất nhiên rất rộng và không đơn giản.
Về tội danh của Dao, giới truyền thông TQ đang có nhiều đồn đoán, nhưng chủ yếu xoay quanh 3 tội lớn sau:
Tội thứ nhất là ưu ái cho một số doanh nghiệp trong phát hành cổ phiếu lần đầu IPO. Một trang tin tiết lộ, rằng trong năm 2014 các công ty thuộc quyền sở hữu của gia tộc “hổ lớn” Lệnh Kế Hoạch bắt đầu khởi động kế hoạch lên sàn.
Trong số 7 đơn vị cổ phiếu loại phổ thông A (7 công ty) do gia tộc Lệnh nắm giữ, đã có 6 đơn vị được đưa vào thị trường tập trung Bảng 2 (Second Board) dành cho các công ty vừa và nhỏ. Vào thời điểm này, người phụ trách phát hành IPO chính là Dao.
Tội thứ hai là trục lợi từ giao dịch kỳ hạn dựa trên chỉ số cổ phiếu SPIF.
Khi thị trường chứng khoán TQ bắt đầu lao dốc từ tháng 6.2015 đến nay, thị trường giao dịch kỳ hạn đã bị chính phủ nghi ngờ, khi có nhiều người cố ý “bóp méo thị trường” bằng cách bán ra, khiến cho thị trường này gần như chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.
Tội thứ ba là dính líu tới án hối lộ của Tập đoàn Phương Chính. Lý Hữu, chủ tịch tập đoàn này là bạn bè thân thiết của Dao. Lý cùng một số người khác hối lộ cho Dao Lượng, con trai Dao, để mua cổ phiếu trị giá 30 triệu NDT.
Ngoài ra, Lý còn hối lộ cho hai cấp dưới của Dao là thư ký Lưu Thư Phàm (10 triệu NDT) và Lý Lượng, cục trưởng Cục bảo vệ nhà đầu tư thuộc CSRC (20 triệu NDT).
Lý đã bị bắt điều tra ngày 1.12.2014. Nguyên nhân bị điều tra chưa được công bố.
Tuy nhiên, theo đồn đoán của giới tài chính thì có thể là do liên quan đến khu vực thị trường Bảng 2 khi Lý ngoài chức Cục trưởng Cục bảo vệ nhà đầu tư, còn kiêm chức Phó chủ nhiệm bộ phận quản lý Bảng 2.
Tham nhũng trong bộ phận phát hành cổ phiếu IPO
Sau khi về CSRC làm việc năm 2002, thăng chức phó chủ tịch năm 2008 khi mới 46 tuổi, bộ phận phát hành cổ phiếu đều do một tay Dao nắm giữ.
Với thái độ làm việc tích cực và dám đổi mới, Dao được giới tài chính TQ gọi là “ông vua phân phối cổ phiếu”.
Sau khi lên chức phó chủ tịch, Dao đã cho thực hiện xây dựng Bảng 2 (Second Board). Thị trường chứng khoán này trở thành “mảnh đất tham nhũng béo bở” cho các quan chức thuộc bộ phận phát hành.
Ngày 20.6.2015, CSRC công bố thông tin miễn chức và đưa sang cơ quan tư pháp điều tra đối với Lý Chí Linh, trưởng phòng thuộc bộ phận phát hành CSRC vì kinh doanh chứng khoán bất hợp pháp.
Đến ngày 24.8.2015, một nhân viên họ Âu Dương của bộ phận này cũng bị miễn chức, bị điều tra vì tham gia giao dịch ngầm, làm sai lệch số liệu. Hiện danh tính người này chưa được công bố.
Vợ cũng có dính líu
Sau khi Dao Cương bị bắt điều tra, thông tin về người vợ Hồ Vinh Huy cũng rất được báo giới quan tâm, tìm hiểu.
Hồ làm cho công ty luật Trung Luân nhưng đã nghỉ việc sau ngày Dao bị bắt.
Công ty Trung Luân được thành lập vào năm 1993, là công ty luật lớn nhất TQ, và là một trong những công ty đầu tiên được Bộ tư pháp nước này cấp phép thành lập, có cả chi nhánh ở nước ngoài như ở Tokyo, New York, London.
Theo giới thiệu trên trang web công ty, khi CSRC tiến hành kiểm tra tư cách của 192 doanh nghiệp xin phép được niêm yết cổ phiếu IPO vào thị trường Bảng 2 vào cuối tháng 10.2010.
Có đến 66 công ty luật tham gia làm đại diện cho 192 doanh nghiệp này, trong đó công ty Trung Luân chịu trách nhiệm làm đại diện pháp luật cho 13 doanh nghiệp.
Kết quả, 12 doanh nghiệp do công ty Trung Luân làm đại diện được duyệt, thành công lên sàn.
Ngoài lần này, công ty cũng giới thiệu trên trang web rằng mình đã từng làm đại diện pháp luật cho nhiều doanh nghiệp, thực hiện xin phép niêm yết cổ phiếu lên sàn, đạt tỉ lệ thành công lên đến 92%
Ngoài ra còn có thông tin, có đến 3 luật sư trong công ty này đã từng tham gia vào Ủy ban kiểm tra tư cách doanh nghiệp lên sàn Bảng 2 vào các năm 2008, 2011 và 2012.
Hiện vẫn chưa có thông tin nào xác nhận việc công ty luật Trung Luân đạt tỉ lệ thành công cao như vậy có liên quan đến Hồ Vinh Huy hay không.