Quân sự hóa thay đổi cán cân hải quân ở Biển Đông

Dương Ngọc |

GS Carlyle Thayer cho rằng việc Trung Quốc quân sự hóa mạnh mẽ, thiết lập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) làm thay đổi cán cân hải quân ở Biển Đông.

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế “ASEAN và quan hệ Mỹ- Trung” diễn ra sáng nay 10-3 tại Hà Nội, GS Carlyle Thayer thuộc Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng sẽ có những rủi ro lớn trong quan hệ Mỹ - Trung trong năm nay.

Đề cập đến “mô hình mới” giữa mối quan hệ của các nước lớn, giáo sư Carlyle Thayer cho rằng Trung Quốc đang trỗi dậy và do đó Mỹ cố gắng điều chỉnh trong quá trình trỗi dậy của Trung Quốc, từ đó có thể thấy những tiến triển mang tầm chiến lược đang định hình, những mối quan hệ tiến triển trong thập kỷ mới. Trong đó, vấn đề biển Đông là vấn đề quan trọng.

Giáo sư Carlyle Thayer đánh giá: "Trong năm nay sẽ có những rủi ro lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc và Mỹ có thể bị cuốn vào đối đầu mang tính chiến thuật cả ở biển và trên không, từ đó có nguy cơ làm tăng mức độ căng thẳng trong khu vực lên một mức độ mới"

Đánh giá Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một trong những lãnh đạo mạnh nhất từ thời Đặng Tiểu Bình, Giáo sư Carlyle Thayer cho rằng “Ông Tập Cận Bình đã đón nhận ý tưởng của thế hệ lãnh đạo trước nhưng lại đi theo cách của mình.

Khi chưa phải là lãnh đạo cấp cao, ông Tập Cận Bình đã muốn thúc đẩy các mối quan hệ với những nước lớn khác trên thế giới”.

Và về phía Mỹ, Tổng thống Barack Obama cũng muốn thúc đẩy mối quan hệ sâu hơn. Nhưng rõ ràng, ngoài những vấn đề cả hai bên có thể hợp tác thì vẫn có sự phân kỳ.

“Mỹ ngày càng thấy bất ổn trong mối quan hệ với Trung Quốc và các quốc gia khác cũng thấy bất ổn với quan hệ các nước lớn khi lợi ích của họ có thể bị bỏ rơi” - giáo sư Thayer nhận xét.

Bên cạnh đó, việc mở rộng một cách đơn phương các hoạt động vì những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, và điều này rất tham vọng, dần dần điều này khiến người ta cảm thấy bất an.

Vấn đề quan trọng nhất gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ -Trung hiện nay, theo GS Thayer, là quân sự hoá Biển Đông, đã lái quan hệ Trung-Mỹ ở Biển Đông theo những hướng căng thẳng mới.

Theo GS Thayer, "Quan trọng nhất là vấn đề quân sự hóa các đảo nhân tạo. Ông Tập Cận Bình đã đưa ra những lời phát biểu rất mạnh mẽ song trên thực tế những gì diễn ra lại khác".

Trong những năm 2014, 2015 quá trình Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông, từ đó có thể tạo ra cơ sở để xây dựng các căn cứ quân sự.

Trong những bài viết của tôi, tôi đã cố gắng không dùng từ "khẩn hoang đất" vì từ này không phù hợp với Biển Đông, không có bất kỳ cơ sở nào để Trung Quốc có thể "khẩn hoang đất" ở đây vì ở đây không có đất ở đây, chỉ là nước. Trung Quốc đang cố gắng xây dựng công trình mới ở đây" - GS Thayer nói.

Trước đây, Trung Quốc đã từng đóng chiếm trái phép một số hòn đảo trên Biển Đông nhưng động thái của Mỹ ở những thời điểm đó không có gì nổi bật. Sau đó, Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng một số hòn đảo nhân tạo, rồi điều máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không HQ-9…

Theo GS Thayer, khẩu chiến giữa Mỹ-Trung đã nổ ra và Bắc Kinh vẫn không ngừng những hoạt động quân sự hoá trên Biển Đông.

“Việc Trung Quốc đưa hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đến đảo Phú Lâm là dấu hiệu của sự phát triển chiến lược đáng chú ý mà Trung Quốc sẽ ráo riết hơn nữa trên Biển Đông trong thời gian tới”- GS Thayer nhận định.

Giáo sư cũng cho rằng: “Tới đây, Trung Quốc có thể thiết lập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông mà thực ra nó đã xuất hiện rồi, nhưng Bắc Kinh sẽ thực hiện ráo riết hơn để kiểm soát các chuyến bay đi lại trên Biển Đông”.

Giáo sư Thayer cho rằng có 4 nhân tố chính thôi thúc hành động mạnh mẽ hơn của Trung Quốc trên Biển Đông trong năm nay gồm: Toà án Trọng tài Quốc tế sẽ ra phán quyết đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông; Cuộc bầu cử tại Phillippines trong tháng 5 tới; Mỹ ngày càng cứng rắn hơn trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông; Cuộc bầu cử ở Mỹ trong tháng 11 tới.

Trong bối cảnh hiện nay ASEAN phải làm gì? Giáo sư Thayer cho rằng ASEAN phải cùng nhau làm rõ nội hàm của thuật ngữ “quân sự hoá”, để từ đó xác định xem những lời biện minh mà Trung Quốc đưa ra có phù hợp hay không.

“Việc quân sự hoá sẽ thay đổi cán cân của hải quân trên biển. Trung Quốc đang tạo ra thế tiến thoái lưỡng nan ở khu vực này. Trung Quốc xây dựng đường băng sẽ giúp Trung Quốc có khả năng kiểm soát Biển Đông tốt hơn từ nay đến 2030”, giáo sư Thayer cảnh báo.

Theo giáo sư Thayer, hiện cả ASEAN và Mỹ đều chưa có khái niệm về thuật ngữ này. Ngoài ra, sáng kiến minh bạch hàng hải rất quan trọng và Việt Nam có thể sử dụng kênh này để nêu các vấn đề của mình trong tranh chấp Biển Đông.

Điều quan trọng, theo giáo sư Thayer, ASEAN không có cách nào khác là tiếp tục thực hiện đầy đủ Tuyên bố các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC), và tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Giáo sư Thayer cho biết qua trao đổi với một người thạo tin, ông cho rằng trong năm 2016 có thể ký kết COC.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nếu COC được ký kết, cần phải xem có được thực hiện trên thực tế không.

"Có thể Trung Quốc sẽ dùng COC để kiềm chế hành động của Philippines, Mỹ và các nước khác hơn là thay đổi hành vi của Trung Quốc. Cần xem những lời biện minh của Trung Quốc có thực sự không?" - GS cảnh báo.

Thay đổi cán cân quyền lực hải quân khu vực

GS Thayer cũng chỉ ra rằng những thiết bị Trung Quốc đã xây dựng và lắp đặt trên Biển Đông giúp Trung Quốc kiểm soát tốt hơn hoạt động trên Biển Đông từ nay đến năm 2030.

Những hoạt động quân sự hóa này sẽ thay đổi cán cân quyền lực hải quân trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc có cách tiếp cận song song, mục đích chính là loại bỏ vai trò của Mỹ khỏi khu vực.

Trung Quốc nêu rõ người châu Á giải quyết vấn đề của người châu Á, trong khi ASEAN chưa thể hiện đồng ý hay phản đối quan điểm này của Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại