Putin tuyên bố rắn về Bắc Cực trong thời điểm nóng

Tổng thống Nga tuyên bố Nga sẽ không bao giờ “từ bỏ” khu vực Bắc Cực của nước này, đồng thời bác đề xuất của một học giả Nga đặt khu vực này dưới sự quản lý của quốc tế.

Phát biểu tại đại hội Đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền tổ chức ở gần thủ đô Moskva, ông Putin nói: “Khu vực Bắc cực (của Nga) là một bộ phận không thể tách rời của Liên bang Nga và đã thuộc chủ quyền của chúng ta trong vài thế kỷ, nên sẽ mãi là như vậy”.


	Tổng thống Putin khẳng định quan điểm không thay đổi của Nga về Bắc cực.

Tổng thống Putin khẳng định quan điểm không thay đổi của Nga về Bắc cực.

Nhà lãnh đạo này cho biết thêm phần Bắc cực của Nga được bảo vệ bởi các tàu ngầm hạt nhân chiến lược và Hải quân Nga đã tái triển khai căn cứ của mình tại quần đảo Novosibirsk ở ngoài khơi Siberi.

Hãng tin Interfax dẫn lời ông Putin khẳng định: “Chúng ta sẽ mở rộng sự hiện diện của mình ở Bắc cực”.

Trước đó, khoảng giữa tháng 9, Moscow đã điều 10 tàu chiến, do tuần dương hạm Peter Đại đế dẫn đầu, cùng 4 tàu phá băng đến căn cứ trên quần đảo Novosibirsk.

Quân đội chúng ta rút khỏi đó vào năm 1993 trong khi đây là địa điểm rất quan trọng ở Bắc Băng Dương. Chúng ta không chỉ mở lại căn cứ mà còn khôi phục sân bay, phối hợp hoạt động với các cơ quan phụ trách tình trạng khẩn cấp, thủy văn và khí hậu”, ông Putin tuyên bố.

Trong khi đó, ngày 14/9, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tướng quân Arkady Bahini nước này nhấn mạnh: “Chúng ta quay trở lại hẳn nơi này vì từ lâu đây là đất của Nga và những nhiệm vụ hiện nay của các chiến hạm Hạm đội Biển Bắc là phần quan trọng đầu tiên trong kế hoạch phát triển và cải thiện toàn bộ tuyến hàng hải phía Bắc và khu vực Bắc Cực lân cận nó”.

Tàu tuần dương Peter Đại đế, soái hạm của Hạm đội phương Bắc dài 251 m với sức chứa hơn 800 thủy thủ.

Theo ông Bakhin, sân bay “Temp” sẽ được phục hồi và nâng cấp và đến tháng 10/2013 sẽ có thể tiếp nhận các máy bay An-72, An-74 và các máy bay vận tải hạng nặng.

Những công nghệ mới nhất sẽ được sử dụng khi xây dựng sân bay “Temp”, thí dụ như sẽ dùng những vật liệu có khả năng chịu được nhiệt độ cực thấp khi lắp ráp bề mặt đường băng. “Đây sẽ là một sân bay hoạt động thường xuyên, quanh năm và trong mọi điều kiện thời tiết”, Thứ trưởng cho biết.

Từ thời Liên Xô, Bắc Cực đóng vai trò quan trọng về chiến lược với Moscow bởi đây là khu vực nơi lãnh thổ của hai siêu cường Mỹ và Liên Xô ở gần nhau nhất.

Hồi tháng 8, Nga cũng đã đánh dấu sự khẳng định chủ quyền tại khu vực này bằng việc mở trung tâm cấp cứu tai nạn đầu tiên ở phía Bắc, trên địa phận thị trấn Naryan-Mar nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cứu hộ, cứu nạn ở khu vực.

Theo dự kiến, đến năm 2015 Nga sẽ mở 10 trung tâm cứu hộ ở Bắc Cực và sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia trong khai thác Bắc Cực.

Tham vọng Bắc Cực của Trung Quốc

Ngày 15/5, Trung Quốc đánh dấu sự can thiệp của mình bằng việc gia nhập Hội đồng Bắc Cực trên cương vị quan sát viên. Cùng với Trung Quốc còn có những cái tên như: Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc.

Một diễn biến liên quan, tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc lần đầu tiên vượt Bắc Cực đã khiến khối lượng hàng hóa đi theo tuyến đường này tăng mạnh lên con số 1,26 triệu tấn với sự hiện diện của 46 tàu trong khi con số này ở năm 2010 lần lượt là 111.000 tấn và 4 tàu chở.

Biến đối khí hậu, băng tan đang mở ra cơ hội lớn với việc tiếp cận nguồn dầu, khí thiên nhiên và khoáng sản được đánh giá là khổng lồ tại đây, đồng thời cũng giúp rút ngắn các tuyến đường biển và tạo điều kiện cho khai thác thủy sản.

Những điều này báo hiệu một cuộc cạnh tranh không khoan nhượng cả về kinh tế và chính trị tại Bắc Cực.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại