Phản ứng của chính giới về hành động của TQ ở biển Đông

Nguyễn Doãn Thùy Linh (TH) |

(Soha.vn) - Chính giới đã lên tiếng về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Hoa Kỳ: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki cho biết trong cuộc điện đàm vừa qua Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã mời Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đến Washington để “tham vấn toàn diện về các vấn đề song phương và khu vực trong khuôn khổ mối quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước”; bày tỏ “quan ngại của Hoa Kỳ đối với hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông”; kêu gọi hai phía “kiềm chế có những bước đi làm giảm căng thẳng…và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Người phát ngôn Nhà Trắng Patrick Ventrell cho rằng “Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định; tôn trọng luật pháp quốc tế; giao thương hợp pháp không bị cản trở và tự do hàng hải cũng như bay trên vùng trời tại Biển Đông. Hoa Kỳ ủng hộ việc sử dụng ngoại giao và các biện pháp hoà bình khác để quản lý và giải quyết những bất đồng, trong đó có việc tận dụng trọng tài hoặc các cơ chế pháp lý quốc tế khác”.

Dự kiến trong vài ngày tới, Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ thông qua một nghị quyết về Biển Đông.

Liên hợp quốc: Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric tại họp báo ngày 19/5 cho biết nhân chuyến thăm Trung Quốc, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã thảo luận vấn đề căng thẳng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc với giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, yêu cầu tất cả các bên phải kiềm chế và giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình, thông qua đối thoại và tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF): Chủ tịch diễn đàn WEF Klaus Schwab kêu gọi các bên giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối ngoại.

Philippines: Chủ tịch hạ viện Philippines cho rằng việc Trung Quốc đã và đang làm với Philippines và Việt Nam mới chỉ là những sự việc bắt đầu, nếu các nước không đoàn kết ngăn chặn, các quốc gia khác có thể là những nạn nhân tiếp theo của Trung Quốc. Chủ tịch Thượng viện Philippines khẳng định ủng hộ lập trường, quan điểm có tính nguyên tắc của Chính phủ hai nước về việc yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Malaysia: Thủ tướng Malaysia khẳng định bất kỳ vấn đề nào liên quan đến Biển Đông “phải được giải quyết theo luật pháp và quy tắc quốc tế”.

Bên lề hội nghị ADMM+, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammunddin Tun Hussein nhấn mạnh Malysia rất quan ngại về các diễn biến vừa qua tại Biển Đông; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực và làm việc tích cực để nhanh chóng đưa ra một bản COC trên Biển Đông.

Indonesia: Trả lời phỏng vấn báo chí Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho rằng những căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc không chỉ là vấn đề song phương mà còn là vấn đề của khu vực, vì vậy ASEAN có “Trách nhiệm đặc biệt” để đảm bảo hai bên sẽ đối thoại để giải quyết tình hình; khẳng định hành động của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Singapore: Trả lời phỏng vấn Nikkei, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng vấn đề Biển Đông là một trong những vấn đề trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN; khẳng định ASEAN sẽ can dự vào vấn đề biển Đông và sẽ cố gắng hết sức để vấn đề này không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên có nhiều phương diện rất tích cực như hỗ trợ tài chính, phát triển nguồn nhân lực, thương mại.

Canada: Bộ trưởng Ngoại giao Canada John Baird ra tuyên bố về Biển Đông bày tỏ quan ngại trước những căng thẳng tăng lên gần đây giữa Việt Nam và Trung Quốc, tiềm ẩn khả năng phá hoại hòa bình và ổn định khu vực; khuyến khích các bên tìm một giải pháp thỏa đáng cho các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đài Loan: “Ngoại trưởng” Đài Loan Lâm Vĩnh Hạc khẳng định không có sự hợp tác nào giữa Trung Quốc và Đài Loan trong các vấn đề về Biển Đông. Đài Loan không chấp nhận việc Bắc Kinh yêu cầu các cơ quan chức năng Việt Nam phải bảo đảm an toàn cho công dân Đài Loan đang làm việc tại Việt Nam do lo ngại các hoạt động tuần hành phản đối Trung Quốc trong vụ giàn klhoan 981 bị một số đối tượng quá kích động bạo lực.

Chủ tịch Đảng Dân Tiến, (đảng đối lập tại Đài Loan) Tô Trinh Xương cho rằng việc làm của Bắc Kinh đã gây ra xung đột nghiêm trọng trên biển; kêu gọi chính quyền Tổng thống Mã Anh Cửu tỏ rõ lập trường, khiển trách “hành vi gây hấn” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Anh: Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Hugo Swire phát biểu việc Trung Quốc đặt giàn khoan “đã khiến căng thẳng leo thang ở Biển Đông”; ủng hộ tuyên bố của EU ngày 8/5 và phía Anh đã nêu vấn đề này với phía Trung Quốc ở cấp Bộ trưởng.

Nga: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexandr Lukashevich cho biết Nga hy vọng rằng Trung Quốc và Việt Nam sẽ khắc phục được tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông thông qua con đường đàm phán; Moscow theo sát tình hình ở Biển Đông và hy vọng tất cả các bên sẽ thể hiện sự kiềm chế trước trình hình căng thẳng hiện nay.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại