Phận 'ba chìm bảy nổi' của xác ướp một Đệ nhất phu nhân

My Lan |

(Soha.vn) - Dù có không ít công lao đối với đất nước, song sau khi qua đời, cựu Đệ nhất phu nhân Argentina đã phải trải qua gần 40 năm sóng gió trước khi được yên nghỉ.

Bà Maria Peron (1919 - 1952), còn được biết tới với cái tên Evita, là vợ hai của Tổng thống Argentina Juan Peron. Trong những ngày tháng còn sống, bà đã làm nhiều việc nhằm thúc đẩy quyền tự do dân chủ cho người dân như: quyền bầu cử cho phụ nữ, lợi ích cho người lao động, quyền bình đẳng của trẻ mồ côi. Nhờ vậy, bà được mệnh danh là "thủ lĩnh tinh thần của đất nước Argentina".

Ướp xác kiểu Tây Ban Nha

Trong khi những người dân còn chưa hết bàng hoàng vì sự ra đi đột ngột bà Evita vào năm 1952, thì phía sau cánh cửa cung điện, bác sĩ Pedro Ara, một nhà nghiên cứu bệnh học nổi tiếng, đã bắt đầu công việc ướp xác.

Toàn bộ máu trong cơ thể bà được thay bằng cồn nguyên chất và glycerine, một hợp chất có khả năng chịu được nhiệt độ tới 140 độ C. Cồn sẽ hút nước từ các mô, glycerine giúp cơ thể trông vẫn sống động như thật, còn toàn bộ nội tạng bên trong cũng được bảo quản ở tình trạng tốt nhất.

Điều thú vị cả là tất cả những công đoạn này được hoàn thành chỉ trong 1 đêm với 2 vết rạch nhỏ duy nhất - một ở cổ, một ở gót chân.

Thi hài của bà được đặt trong một chiếc qua tài làm từ đồng, vỏ bọc pha lê dày có giá 30.000 USD và được trưng bày để người dân tới phúng viếng.


	Thi hài bà Evita sau khi trải qua nhiều công đoạn ướp xác.

Thi hài bà Evita sau khi trải qua nhiều công đoạn ướp xác.

Sau quốc tang, thi hài của bà lập tức được đưa về phòng thí nghiệm riêng của bác sĩ Ara. Tại đây, tất cả những công đoạn cuối cùng của quá trình ướp xác tỉ mỉ, công phu theo kiểu Tây Ban Nha cổ đại đã diễn ra. Các chất bảo quản được đưa qua hệ tuần hoàn tới từng mao mạch, sáp được phủ lên một vài phần nhất định trên thi hài và sau đó là toàn bộ cơ thể.

Thi hài của bà Evita trở thành xác ướp đầu tiên trong lịch sử thế giới giữ được nguyên vẹn toàn bộ các bộ phận nội tạng mà không phải vứt bỏ.

Tìm lại tên thật

Thi hài của bà Evita đã được đặt suốt 3 năm tại tòa nhà của Bộ Lao động để chờ đưa về khu lăng mộ dành riêng cho bà được xây cất xong. Song lăng mộ đó chưa kịp hoàn thành thì thi hài bà đã bắt đầu chuỗi ngày gặp nhiều sóng gió.

Năm 1955, khi Tổng thống Juan Peron bị lật đổ, Argentina rơi vào chế độ độc tài quân sự, thi hài của người phụ nữ lừng danh một thời cũng biến mất không để lại tung tích.

Những người ủng hộ ông Peron cho rằng việc cất giấu thi hài của bà Evita là một phần trong nỗ lực chôn vùi tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của bà Peron cũng như chính quyền cũ, ngăn cản phe đối lập sử dụng nó làm công cụ tập hợp lực lượng, kêu gọi chống đối.

Trong suốt 16 năm, xác ướp của Evita được cho là đã rong ruổi bên trong thùng xe tải khắp các đường phố thủ đô, sau màn chiếu phim, trong nhà máy nước và gần như chắc chắn là trong văn phòng của Cơ quan tình báo quân sự.

Năm 1957, với hi vọng trừ tận gốc hậu họa, chính quyền quân sự Argentina đã bí mật đưa xác ướp của bà tới Ý, chôn cất tại một nghĩa trang ở Milan dưới cái tên giả Maria Maggi.


	Thi hài bà Evita trải qua 4 lần di chuyển chính.

Thi hài bà Evita trải qua 4 lần di chuyển chính.

Cơ hội tìm lại tên thật của bà Evita cũng tới khi chính quyền độc tài quân sự bị lật đổ năm 1971. Thi hài của bà được đào lên và trao trả về cho chồng bà, lúc này đang ở cùng người vợ ba Isabel tại Tây Ban Nha. Những năm tháng ở đây , bà được đặt ở một nhà nguyện trên gác mái.

Lúc này, xác ướp của bà đã không còn đẹp như ban đầu. Carlo Spadone, người trực tiếp chăm sóc xác ướp của Evita tại biệt thự nhà Peron ở Madrid cho biết một đầu ngón tay của bà đã bị cắt mất, “ có một vết lõm lớn trên mũi, nhiều dấu vết bị đánh vào mặt và cổ, vết thâm ở sau gáy…vết đánh khá nặng ở đầu gối ”.

Những đài tưởng niệm không thành

Sau gần 2 thập kỉ “bôn ba”, bà cùng chồng cũng được trở về quê hương. Khi người vợ ba của ông Juan Peron lên làm Tổng thống, bà đã cho xây dựng một một đài tưởng niệm để đặt thi hài của Evita cùng cố Tổng thống Juan Peron cạnh nhau.

Bác sĩ Domingo Tellechea, người được giao nhiệm vụ chăm sóc thi hài của Evita vẫn còn nhớ rằng đó thực sự là công việc khó khăn.

Theo ông, thi hài của bà đã được đặt trong một quan tài không đủ lớn, “bàn chân ở trong tình trạng rất xấu bởi thi hài bị giấu ở vị trí đứng. Có một vết thương. Tôi không thể khẳng định liệu có phải là do bị tấn công bởi vũ khí nào đó không, nhưng nó thực sự trông rất xấu”.

Điều đáng chú ý là dù phần bên ngoài không còn nguyên vẹn, song toàn bộ nội tạng bên trong cơ thể vẫn ở trong tình trạng rất tốt. Đó là nhờ phương pháp ướp xác tỉ mỉ và tinh vi của bác sĩ Ara trước đó.


	Thi hài bà Evita trải qua quá trình chính sửa lại vào năm 1974.

Thi hài bà Evita trải qua quá trình chính sửa lại vào năm 1974.

Mặc dù ông Domingo đã biến bà Evita trở nên đẹp đẽ và thanh thản, nhưng cuộc sống của ông bị xáo trộn tới mức ông không thể ngủ yên: “Có những lời đe dọa qua điện thoại”. Ông không bao giờ cảm thấy thực sự an toàn khi ở nhà.

Một lần nữa, kế hoạch xây đài tưởng niệm cho bà Evita lại không được hoàn thành.

Năm 1976, cuộc đảo chính quân sự lại nổ ra, đẩy những người dân Argentina rơi vào “biển máu”. Lần này, bà Evita đã được gia đình kịp thời cất giấu trước khi bị quân đội đảo chính đánh cắp lần nữa. Thi hài của bà kết thúc chuyến phiêu lưu của mình trong một hầm mộ xây bằng đá cẩm thạch, sâu 5 mét dưới lòng đất và có thể chống bom nguyên tử tại nghĩa trang trang La Recoleta (Buenos Aires).

Cũng từ đó trở đi, không ai còn được nhìn thấy người phụ nữ được cho huyền thoại của Argentina này nữa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại