Theo công bố tại Rose Garden hôm 3/5, cố vấn kinh tế Michael Froman sẽ thay thế ông Ron Kirk, rời chức vào tháng 2/2013 sau 4 năm đảm nhiệm chức vụ, làm Ðại diện Thương mại mới của Mỹ.
Ông Obama gọi ông Froman là một trong các chuyên gia hàng đầu thế giới về kinh tế toàn cầu và cho biết ông Froman đã góp phần giúp ông Kirk giải quyết các thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc, Panama và Colombia. Ông Obama cho rằng ông Froman sẽ giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán mậu dịch Ðối tác xuyên Thái Bình Dương với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ðối tác xuyên Ðại Tây Dương với châu Âu.
Tổng thống Mỹ cho biết cả hai đều là những người bạn thân lâu năm. Froman là người bạn cùng lớp ở trường đại học luật, và ông Obama nói vui rằng “Froman hồi đó học giỏi hơn tôi và bây giờ cũng vẫn giỏi hơn”.
Sau khi Quốc hội thông qua, bà Pritzker và ông Froman sẽ bổ sung vào những chiếc ghế trống còn lại trong nội các của ông Obama.
Trong hai vị trí trên, việc lựa chọn bà Pritzker là một chủ đề gây tranh cãi nhiều hơn. Bà là giám đốc tài chính trong chiến dịch tranh cử của ông Obama năm 2008 và cũng là một tỷ phú có chân trong hội đồng quản trị Tập đoàn Hyatt Hotels, một chuỗi khách sạn hạng sang do chú bà sáng lập. Tài sản của bà ước tính khoảng 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, những hoạt động về tài chính và chính trị trước đây của bà Pritzker khiến người ta băn khoăn về vị trí mà bà được lựa chọn.
Gia đình bà Pritzker từng sở hữu một nửa ngân hàng Superior, một ngân hàng đã bị Tập đoàn bảo hiểm liên bang tịch thu tháng 7/2001. Gia đình Pritzker và các đối tác đã mua lại ngân hàng này từ chính phủ trong chương trình xử lý khủng hoảng nợ vay. Ngân hàng Superior mới đã đi tiên phong trong việc chuyển đổi các khoản cho vay dưới chuẩn thành các loại chứng khoán phức hợp và những thất bại của Superior đã báo hiệu cho cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu năm 2008.
Theo phán quyết của các nhà quản lý liên bang, gia đình Pritzker và các đối tác ngân hàng khác đã đồng ý trả ngay cho chính phủ 100 triệu USD và trả dần 360 triệu USD trong 15 năm tới.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của Nhà Trắng cho rằng đây không phải là những vấn đề liên quan đến cá nhân bà Pritzker vì bà đã rời ghế trong hội đồng ngân hàng năm 1994.
Trong bài phát biểu tại Vườn Hồng, ông Obama cho biết :”Penny là một trong những nhà quản lý kinh doanh xuất sắc nhất của nước Mỹ.
Pritzker có một bản lý lịch đáng nể khi là từng là CEO của nhiều công ty đầu tư lớn, sở hữu nhiều bất động sản và là người thừa kế của chuỗi khách sạn Hyatt. Đây là những lý do khiến tổng thống chọn bà.
Nếu được bổ nhiệm, bà Pritzker sẽ là CEO thứ hai được bổ nhiệm trong nội các nhiệm kỳ hai của ông Obama. Tổng thống Obama đã khẳng định :”Bà Pritzker có những kinh nghiệm mà không một chương trình chính phủ nào có thể thay thế ở vai trò chủ doanh nghiệp lớn”.
Trên thực tế, việc chọn một CEO làm người đứng đầu Bộ Thương mại không phải là điều lạ. Cựu Bộ trưởng Bryson từng là CEO công ty Edison International. Hơn nữa, bất cứ tổng thống nào cũng cần có mối quan hệ thân thiện với giới kinh doanh.
Cả hai giới đều cần có sự hiểu biết lẫn nhau và sự thành công của các doanh nghiệp và của nhà chính trị có tác động qua lại lẫn nhau.
Pritzker là một người thân cận và đã nhiều năm phụ trách việc gây quỹ cho ông Obama. Bà là người đã giúp đỡ nhiều để đưa ông tới Phòng Ô val (hay còn gọi là phòng Bầu dục) hai lần liên tiếp. Ngoài ra, bà cũng là một thành viên trong Ủy ban việc làm và cạnh tranh, một nhóm các nhà quản lý kinh tế và doanh nghiệp được thành lập trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế để tìm ra các biện pháp hỗ trợ kinh tế. Là một người thân thiết với tổng thống, Pritzker sẽ dễ dàng đưa các vấn đề vào lịch trình làm việc của tổng thống.
Ngoài việc có những phẩm chất và danh tiếng phù hợp với ghế bộ trưởng, bà Pritzker còn có lợi thế về giới tính. Nội các của ông Obama vốn chủ yếu là các quan chức nam giới và báo chí Mỹ đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ quan ngại về vấn đề này. Bằng việc chọn một phụ nữ vào vị trí cấp cao, Tổng thống có thể xoa dịu những chỉ trích về tỷ lệ giới tính trong nội các của ông.