Những uẩn khúc về phòng thẩm vấn quan chức Hong Kong

Tòa nhà xám hai tầng gần Đại học Thượng Hải ở quận Baoshan trông giống như các khu văn phòng khác trong nội đô, nhưng sự hiện diện của cảnh sát vũ trang quanh tòa nhà và việc cửa đóng then cài khiến nó trở thành một trong những nơi bí ẩn nhất ở Thượng Hải.

Một nghi phạm bị cảnh sát tạm giữ ở tỉnh Giang Tây hôm 11/3. Ảnh: CFP
Một nghi phạm bị cảnh sát tạm giữ ở tỉnh Giang Tây hôm 11/3. Ảnh: CFP.

Nơi đây, các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc bị cáo buộc tham nhũng hoặc vi phạm kỷ luật bị cách ly với thế giới bên ngoài nhiều tháng trời, bị thẩm vấn...

Bà Lin Zhe, chuyên gia chống tham nhũng công tác tại Trường Đảng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, mới đây được mời tới thăm cơ sở shuanggui (quy định đôi) - tên thủ tục mà quan chức có nghĩa vụ đến vào giờ quy định tại nơi quy định để “thú tội”, khi mà cơ quan kỷ luật tin rằng họ đã có bằng chứng chắc chắn.

Ấn tượng chung của bà là nơi thẩm vấn thực sự dễ thở. “Bàn ghế trong các phòng thẩm vấn không có góc cạnh sắc nhọn. Tường được phủ thảm để cách âm và ngăn các quan chức bị thẩm vấn đập đầu vào tường”, bà Lin kể.

Lá chắn hay bẫy tử thần?

Các căn phòng trong tòa nhà giống như buồng giam của tù nhân, chỉ có một giường và camera theo dõi 24/24h. Những cơ sở shuanggui thường nằm ở những nơi xa xôi hẻo lánh.

Cơ sở ở Bắc Kinh nằm ở chân Vạn lý Trường thành. Dù quan chức bị thẩm vấn ở đây cuối cùng thường được đưa ra xét xử nếu bị kết luận là vi phạm pháp luật, nhưng shuanggui vẫn bị chỉ trích là không thuộc hệ thống pháp lý, thậm chí bị một số người nghi ngờ là nơi bảo vệ quan tham.

Mới đây, hai quan chức địa phương tử vong bí ẩn sau khi bị tạm giữ trong hai cơ sở shuanggui ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang và thành phố Tam Môn Hiệp, tỉnh Hà Nam khiến người ta băn khoăn không biết chuyện gì thực sự diễn ra sau các cánh cửa đóng im ỉm.

Ông Yu Zusheng vẫn nhớ cảm giác vui mừng khi đón con trai Yu Qiyi từ Bắc Kinh trở về hôm 1/3 và bàng hoàng khi nhìn thấy thân thể bầm tím của con trong nhà xác 38 ngày sau đó. Yu Qiyi chết sau khi bị thẩm vấn trong shuanggui ở Ôn Châu.

“Tôi gọi cho các quan chức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố để kiểm tra nguyên nhân cái chết của con trai tôi, nhưng họ không hồi âm”, ông Yu nói. Ủy ban này tạm giữ Yu Qiyi (42 tuổi) vì nghi ngờ ông này nhận hối lộ khi phê chuẩn một dự án nhà đất ở Ôn Châu.

Y bạ viết rằng, đảng viên Yu Qiyi, kỹ sư trưởng của một doanh nghiệp nhà nước ở Ôn Châu, có nước trong phổi và bất tỉnh khi được chuyển tới bệnh viện. Thân thể bệnh nhân đầy vết bầm tím.

“Một số người nói con trai tôi tự tử, một số nói nó ngã khi đang tắm, một số khác nói nó lên cơn đau tim. Chúng tôi yêu cầu khám nghiệm pháp y lại, nhưng phải do các bác sĩ ngoài tỉnh tiến hành, đồng thời yêu cầu tỉnh điều tra vụ việc”, ông Yu Zusheng nói. Giới chức Ôn Châu đã thông báo điều tra và tạm giữ ba quan chức Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố và một sĩ quan cảnh sát bị cáo buộc chịu trách nhiệm đối với cái chết của ông Yu Qiyi.

Vụ việc tương tự xảy ra với ông Jia Jiuxiang, Phó Chánh án Tòa án thành phố Tam Môn Hiệp, người bị tạm giữ ở shuanggui từ ngày 12/4. Mười một ngày sau, gia đình ông Jia nhận được điện thoại thông báo ông lên cơn đau tim và đang được điều trị tại bệnh viện.

Tới viện, họ nhìn thấy xác ông Xia tím bầm, cổ tay, cổ chân có sẹo, dấu hiệu của việc bị trói hoặc bị còng. Con trai ông Jia, cũng là công chức, đã thuê luật sư và lên mạng internet kêu gọi điều tra toàn diện, minh bạch về cái chết của bố mình.

Bà Lin nói rằng, hai cái chết ở vụ việc trên là vi phạm quy định của shuanggui, vì các quan chức bị điều tra phải được kiểm tra sức khỏe trước khi việc thẩm vấn diễn ra để đảm bảo quá trình này là an toàn.

Con dê tế thần?

Sau khi ba quan chức Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố Ôn Châu bị tạm giữ, gia đình và bạn bè của một vị quan chức nói rằng, ông này vô tội, chỉ là người giơ đầu chịu báng!.

“Quan chức địa phương đến thuyết phục chúng tôi chấp nhận luật sư của họ thuê cho con trai chúng tôi. Họ cũng nói rằng, sẽ giảm hình phạt cho con trai chúng tôi nếu chúng tôi nghe lời họ, nếu không, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng”, bố mẹ vị quan chức kể.

Bà LinZhe chuyên gia chống tham nhũng nhận định: “Shuanggui là cách để tìm ra các vấn đề trong đảng, không phải để hành hình các quan chức đang bị điều tra. Người đứng đầu cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm về hai cái chết trong hai vụ việc ở Ôn Châu và Tam Môn Hiệp. Họ nên từ chức. Và những người liên quan hai vụ chết người này phải bị truy tố trước pháp luật”.

Shuanggui được Chính phủ Trung Quốc đưa ra lần đầu vào năm 1990 và dần dần được các cơ quan kiểm tra kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc áp dụng trong nhiều nghi án tham nhũng. Các sở công an chỉ được giữ người bị tình nghi tối đa 24 giờ, nên các quan tham có cơ hội hủy bằng chứng hoặc mua chuộc nhân chứng. Vì vậy, sự ra đời của shuanggui được nhiều người hoan nghênh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại