Những nghi ngại về Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La

Những phát biểu của đoàn Trung Quốc để lại nhiều nghi ngại cho giới học giả cũng như truyền thông quốc tế tại một Đối thoại Shangri-La vốn đề cao “lòng tin chiến lược”.

Theo Bloomberg, Trung Quốc đã bác bỏ lời kêu gọi giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua tòa án sau khi Mỹ và Nhật tuyên bố sẽ không chống lại mọi âm mưu nhằm chiếm đoạt lãnh thổ bằng vũ lực.

Những nghi ngại về Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La
Ông Thích Kiến Quốc (trái) cùng Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) John Chipman (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin (phải) tại Đối thoại Shangri-La - Ảnh: AFP

Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Thích Kiến Quốc phát biểu ngang ngược tại Đối thoại Shangri-La hôm 2.6 rằng việc Trung Quốc tuần tra ở biển Đông và biển Hoa Đông là “hoàn toàn hợp pháp” và tuyên bố Bắc Kinh sẽ tiếp tục hoạt động tuần tra.

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã tuyên bố Mỹ “kiên quyết chống lại mọi nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng” tại các vùng biển trên.

Hãng Bloomberg dẫn nhận xét của chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) Bonnie Glaser: “Trung Quốc có vẻ như là các ví dụ chắc chắn về việc thay đổi hiện trạng theo hướng có lợi cho họ”.

Bà Glaser đã hỏi thẳng ông Thích tại diễn đàn: “Ông có thể giải thích sự mâu thuẫn giữa cam kết hòa bình của Trung Quốc và việc sử dụng tàu bè để đe dọa các nước láng giềng, như từng thấy tại bãi cạn Scarborough? Tại sao Trung Quốc phản đối sử dụng UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển - PV) để giải quyết tranh chấp trên biển?”.

Trước câu hỏi này, ông Thích biện bạch Trung Quốc không theo đuổi bá quyền, đồng thời lặp lại một luận điệu quen thuộc về việc Trung Quốc có cơ sở lịch sử cho các yêu sách chủ quyền phi lý của họ, theo tờ Rappler của Philippines.

Nhà báo Marites Danguilan Vitug của tờ Rappler viết rằng phần lớn những người tham gia Đối thoại Shangri-La mà bà trao đổi đều bi quan về Trung Quốc khi được đề nghị nhận xét về những phát biểu của ông Thích.

“Nó giống như việc một bác sĩ trấn an đến lần thứ tư rằng bạn vẫn ổn bất chấp những cảm giác của bạn, nên bạn không tin những gì ông ta nói”, bà Vitug dẫn lại nhận xét của một chuyên gia.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nói ông hy vọng cam kết của Trung Quốc về việc giải quyết vấn đề tranh chấp sẽ không chỉ dừng lại ở lời nói.

“Họ nói quá nhiều thứ tốt đẹp trong lúc này, phương tiện hòa bình và mọi thứ tốt đẹp. Chúng tôi hy vọng những lời nói đó được biến thành hành động trong những diễn biến tại biển Đông”, ông Gazmin nói một cách bi quan.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại