Quá trình kiểm phiếu dự kiến được tiến hành thâu đêm với các kết quả riêng rẽ sẽ được công bố tại từng khu trong số 32 khu vực trưng cầu của Scotland.
Kết quả cuộc trưng cầu ý dân ở Scotland về việc có nên tách khỏi Vương quốc Anh để trở thành quốc gia độc lập hay không sẽ được công bố sau 6g30 sáng 19/9 (giờ Scotland).
Ngày 18/9, khoảng 4,3 triệu cử tri Scotland bắt đầu cuộc trưng cầu ý dân lịch sử. Khi bỏ phiếu, người dân Scotland chỉ trả lời một trong hai đáp án, hoặc “có” hoặc “không” cho câu hỏi “Scotland có nên là một nước độc lập không?” sau “cuộc hôn nhân” kéo dài 307 năm với Vương quốc Anh.
Người dân Scotland bỏ phiếu tại 5.579 địa điểm dự kiến sẽ lên tới 90% - con số cao chưa từng thấy trong lịch sử Vương quốc Anh. Những cuộc thăm dò mới nhất của các hãng YouGov, Panelbase, Survation, Opinium, ICM… cho thấy số người ủng hộ và phản đối vẫn so kè gắt gao. Trong đó, cuộc khảo sát trên 3.000 người của YouGov cho thấy tỉ lệ ủng hộ Scotland độc lập là 48%, so với tỉ lệ 52% ủng hộ ở lại Vương quốc Anh. Trong khi đó, kết quả từ Ipsos-Mori thậm chí còn sít sao hơn với tỉ lệ 51%-49%.
Phòng phiếu mở cửa lúc 7g và kết thúc vào 22g cùng ngày (khoảng 4 giờ ngày 19/9, giờ Việt Nam). BBC mô tả không khí bỏ phiếu trong ngày 18/9 rất bận rộn khi nhiều cử tri xếp hàng từ lúc mở thùng phiếu cho đến hết buổi sáng.
Người dân đợi để bỏ phiếu tại Edinburgh, Scotland hôm 18/9. Ảnh: Time.
Sau khi các phòng phiếu đóng cửa, 32 hội đồng địa phương khắp Scotland sẽ bắt đầu kiểm phiếu. Sau khi quy trình kiểm phiếu kết thúc, các quan chức ở mỗi hội đồng sẽ công bố kết quả cho trưởng ban kiểm phiếu là bà Mary Pitcaithly ở Edinburgh. Sau khi thông qua kết quả bỏ phiếu của 32 hội đồng địa phương, bà Pitcaithly sẽ công bố kết quả cuộc trưng cầu ý dân ở trung tâm Royal Highland.
Bà Pitcaithly cho biết bà sẽ công bố kết quả vào “giờ điểm tâm” ngày 19/9. Trong khi đó theo ban tổ chức kiểm phiếu Scotland, kết quả cuộc trưng cầu ý dân nhiều khả năng sẽ được công bố trong khoảng thời gian từ 6g30 - 7g30 sáng (giờ địa phương).
Sau khi bỏ phiếu tại gần nhà mình ở làng Strichen, Đông Bắc Scotland, Thủ hiến Alex Salmond hồ hởi: “Tôi vừa hay tin tay vợt Andy Murray (một người Scotland đã làm rạng danh cho cả Vương quốc Anh) giành chiến thắng. Đó chính là thông điệp cho chúng ta tiến lên. Đây là cơ hội chỉ có một lần trong đời và tôi tin rằng điều đó sẽ thể hiện ở số người bầu cử”.
So kè gắt gao
Kết quả cuối cùng nhiều khả năng được quyết định bởi 8%-14% cử tri chưa đưa ra lựa chọn cuối cùng. Tuy nhiên, họ cũng không có nhiều thời gian bởi cuộc trưng cầu dân ý sẽ khép lại vào 22 giờ cùng ngày trước khi công tác kiểm phiếu bắt đầu chạy đua với thời gian để kịp công bố vào sáng 19/9 (giờ địa phương).
Nếu đa số người dân Scotland chọn “dứt tình” với Vương quốc Anh thì trước khi chính thức tuyên bố độc lập vào ngày 24/3/2016, hai bên sẽ có 18 tháng để toàn tất “thủ tục ly dị”. Trong đó, thử thách nhất là chuyện “phân chia tài sản” với những vấn đề hóc búa về dầu mỏ ở biển Bắc, đồng tiền riêng, tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU), NATO và cả nợ công của “cựu” Vương quốc Anh.
Chính phủ Scotland gọi cuộc trưng cầu ý dân là cơ hội “nghìn năm có một” để người dân tự quyết định tương lai đất nước. Đảng Dân tộc Scotland (SNP) kêu gọi cử tri bỏ phiếu ủng hộ tách khỏi nước Anh vì tin rằng cuộc sống tương lai sẽ tốt đẹp và công bằng hơn.
Ông Alex Salmond, bộ trưởng thứ nhất của Scotland và là người chủ trương tách xứ sở này ra khỏi Liên hiệp Anh, nói với báo The Star rằng nhiều người Scotland đang chia sẻ giấc mơ cùng với ông. “Chúng tôi nhìn thấy mọi người sẽ chọn câu trả lời “Có”. Họ cảm nhận được một cơ hội to lớn” - ông Salmond nói.
Thái độ không vui của Thủ hiến Scotland Alex Salmond trên đường ra chuyên cơ tại thành phố Aberdeen. Ảnh: BBC.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng nếu Scotland tách khỏi Vương quốc Anh sẽ là “cuộc ly hôn vô cùng đau đớn” và cảnh báo rằng nước này sẽ phải đối mặt với những bất ổn về chính trị và kinh tế.
Ai sẽ thua thiệt?
Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown từng cảnh báo các chính sách của Đảng Dân tộc Scotland (SNP) chủ trương theo đuổi độc lập sẽ đẩy xứ này vào chiếc bẫy kinh tế “có thể sẽ không bao giờ thoát ra được”. Phe chống đối cũng cho rằng Edinburgh sẽ phải hứng chịu thua thiệt đáng kể khi không còn sự hậu thuẫn của London - nền kinh tế thứ hai châu Âu đang có tiếng nói mạnh mẽ trong nhiều tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, Thủ hiến Alex Salmond lại thuyết phục người ủng hộ bằng những con số cụ thể để chứng tỏ rằng bài toán kinh tế không hề nặng nề như đe dọa của những người sợ một Scotland độc lập. Ông lạc quan rằng trong khi chỉ chiếm 1% dân số châu Âu, Scotland sở hữu tới 20% trữ lượng cá, 25% năng lượng tái tạo và 60% sản lượng dầu nên không thiếu cơ sở để đứng vững sau cuộc thay đổi bước ngoặt. Khi không phải chia sẻ những nguồn lợi đó với Anh, một Scotland “với nhiều thứ để đóng góp” sẽ khó có thể khiến EU chối từ.
Một công chức tỏ ra mệt mỏi khi kiểm phiếu tại Royal Highland Centre, thành phố Edinburgh, Scotland ngày 19/9. Ảnh: Washington Post.
Những lợi hại về kinh tế cần có thời gian mới có thể ngã ngũ song về mặt an ninh quốc phòng, việc Scotland độc lập được cho là sẽ khiến sức mạnh của Anh suy giảm nghiêm trọng. Chính quyền Alex Salmond hồi tuần trước đã hối thúc Anh phải sớm đưa hạm đội tàu ngầm tên lửa hạt nhân Trident ra khỏi Scotland càng sớm càng tốt bởi họ không cần “một trong những kho vũ khí hạt nhân lớn nhất và đắt tiền nhất châu Âu này để gia tăng ảnh hưởng”. Vị thủ hiến còn cho rằng tốt hơn hết, nên dành số tiền hàng tỉ bảng đó cho mục đích bảo vệ trẻ em.
Về mặt cơ sở hạ tầng, bên cạnh việc không còn được lui tới Lossiemouth, một trong những sân bay quân sự lớn nhất của Vương quốc Anh, tổn thất lớn nhất đối với sức mạnh quân sự Anh có lẽ là việc mất quân cảng liên hợp Clyde - nơi vốn cất giữ các đầu đạn hạt nhân của tên lửa chiến lược Trident. Đồng thời, đây cũng là nơi trú ngụ của các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược lớp Vanguard và các tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Astute.
Theo dõi kết quả kiểm phiếu trực tiếp tại đây.
Trở tay không kịp
Ngay từ khi gia nhập Vương quốc Anh với Anh và Xứ Wales theo Đạo luật năm 1707, không ít người Scotland đã muốn quay lưng với quyết định này. Sự bất đồng giữa Anh và Scotland bắt đầu sâu sắc hơn kể từ thời cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.
Bước ngoặt xảy ra khi SNP theo đuổi độc lập bất ngờ thắng cử và giành thế đa số trong quốc hội Scotland sau cuộc bầu cử hồi tháng 5/2011. Đến tháng 10/2012, chính phủ Vương quốc Anh và chính quyền Scotland đồng ý tổ chức trưng cầu dân ý quyết định tương lai Scotland.
Giới quan sát cho rằng khi đặt bút ký vào thỏa thuận mang tên Edinburgh, Thủ tướng Anh David Cameron hẳn đã không thể tưởng tượng rằng đến một ngày, giây phút đó sẽ đe dọa chiếc ghế lãnh đạo cao nhất Vương quốc Anh của ông. Thậm chí, việc ông Salmond ra “Sách Trắng về độc lập” hồi tháng 11/2013 cũng vẫn chưa đủ sức thức tỉnh giới chức ở London.
Xem video Scotland kiểm phiếu trưng cầu ý dân ngày 19/9, về vấn đề nước này tách khỏi Vương quốc Anh thành một quốc gia độc lập
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA