Những điều ít biết về nhà báo thứ hai bị IS chặt đầu

Steven Sotloff là nhà báo Mỹ thứ hai bị tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) chặt đầu chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua.

Trong một video vừa tung ra và chưa được xác thực, Sotloff xuất hiện trong bộ đồ màu cam, quỳ trước một kẻ bịt kín mặt. Sau đó, anh dường như bị chặt đầu.

Trước đó, trong đoạn cuối một video ghi cảnh chặt đầu nhà báo James Foley, một người bịt mặt cũng đã dọa giết Sotloff. Sau đó, mẹ của nhà báo này đã có lời cầu xin IS trả tự do cho con trai mình.

Theo BBC, Sotloff, 31 tuổi, bị bắt cóc ở miền bắc Syria cách đây 1 năm. Anh được cho là bị bắt gần Aleppo, và đã bị giam ở Raqqa.

Là một nhà báo tự do, Sotloff đã viết cho nhiều hãng tin, trong đó có TIME, Foreign Policy, Christian Science Monitor và Tạp chí World Affairs. Anh đã tác nghiệp ở nhiều nước, trong đó có Ai Cập, Libya và Syria.

Trên tài khoản Twitter của mình, Sotloff đã im lặng kể từ ngày 3/8/2013. Anh từng mô tả mình là một "người quân tử khảng khái đến từ Miami".  Nhà báo này cũng đăng một số thông tin về tình hình gần đây ở Syria, Libya, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, anh không quên thể hiện tình yêu mến dành cho đội bóng rổ Miami Heat.

Sotloff lớn lên ở Miami và học ngành báo tại Đại học Trung Florida, nơi anh viết cho tạp chí sinh viên. Người bạn tên là Emerson Lotzia kể rằng viết báo là "những gì anh mong muốn được làm".

"Steve nói ở ngoài kia rất đáng sợ. Rất nguy hiểm. Không hề an toàn khi ở đó. Anh ấy biết điều này. Anh ấy vẫn tiếp tục", Lotzia kể về bạn mình.

Các bài báo của Sotloff cho thấy rõ quyết tâm của anh khi tác nghiệp từ thực địa, bất chấp những mối nguy tiềm ẩn. Trong một bài viết năm 2013 từ Ai Cập, Sotloff miêu tả chuyến thăm của anh tới một trại biểu tình của tổ chức Tình Anh em Hồi giáo, bất chấp bạn bè cảnh báo rằng ở đó vô cùng nguy hiểm.

"Sau một giờ trò chuyện vô ích, tôi đứng dậy, bắt tay Ahmad và đi thẳng ra trại mà ông ta tin là tôi sẽ bị làm cho đứng tim", anh viết.

Sotloff thường tập trung vào khía cạnh con người của xung đột, viết về cảnh ngộ của thường dân phải di dời ở Syria đang chật vật đối mặt với nạn thiếu ăn và không nơi trú ẩn hồi đầu năm 2013.

Anh cũng từng có mặt ở Libya để đưa tin năm 2012, tái hiện những gì xảy ra trong đêm mà lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi bị tấn công. Sotloff lập luận rằng, bất kỳ hành động nào của Mỹ sau vụ tấn công đều sẽ phải được thực hiện thận trọng.

"Người Libya rất biết ơn người Mỹ về những gì họ đã làm năm ngoái trong cuộc cách mạng... Giữ được điều đó rất quan trọng bởi vì Libya có thể là một đồng minh rất mạnh mẽ trong tương lai", BBC dẫn lời nhận định của Sotloff với hãng tin Fox News.

Ann Marlowe, một nhà văn quen Sotloff qua công việc của anh ở Libya, kể rằng người đàn ông này "đã sống ở Yemen nhiều năm, nói tiếng Ảrập thành thạo và rất yêu thế giới đạo Hồi".

Trong một thông điệp, tạp chí World Affairs miêu tả Sotloff là "một phóng viên trung thực và sâu sắc, người luôn cố gắng tìm hiểu câu chuyện từ các góc độ địa phương". Báo này nhận xét thêm rằng anh là một con người "can đảm".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại