Chuyện tình lý tưởng: Chàng dắt xe, nàng đi bên cạnh
“Bỗng dưng tôi thấy như mình đang quay về những năm 1970”, Xu Jingpo, một blogger nổi tiếng của Trung Quốc vẫn còn nguyên cảm giác ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh trai gái hẹn hò ở Ranson, thành phố cực bắc của Triều Tiên khi ông đến đây công tác.
“Không ôm. Không hôn. Chỉ thỉnh thoảng có tiếng cười rúc rích và những khuôn mặt đỏ bừng vì e thẹn. Mô típ hẹn hò điển hình ở đây là chàng trai dắt xe đạp, cô gái đi bên cạnh, cách hẳn một sải tay, dạo bước loanh quanh trên những con đường ven hồ, nói vài ba câu chuyện rồi ai về nhà nấy”.
Mô típ hẹn hò điển hình là chàng trai dắt xe đạp, cô gái đi bên cạnh
Mà thế đã là hiện đại, tân tiến, bạo dạn lắm rồi. Hẹn hò, đi chơi công khai với nhau có thể khiến đôi nam nữ gặp rắc rối to nếu họ vẫn còn là học sinh. Thậm chí ở nhiều nơi, sinh viên đại học vẫn bị coi là chưa đủ tuổi để yêu đương. Nếu bị bắt gặp, họ sẽ bị đại diện Đoàn Thanh niên đến nhắc nhở, phê bình. Sau đó, bố mẹ và nhà trường nơi họ đang theo học cũng sẽ nhận được thông báo về hành vi được cho là “suy thoái đạo đức”, “phá vỡ khuôn phép” này.
Bắt “tội phạm” yêu
“Cơn ác mộng” bị bắt gặp khi đang hẹn hò của nhiều cặp tình nhân Triều Tiên lại trở thành “món hời” đối với một số công an viên biến chất. Kim Hong Bo, một người từng làm việc cho Bộ Công an Triều Tiên và nay đang sống ở nước ngoài cho biết, những người này coi việc rình bắt các đôi trai gái là việc kiếm thêm.
Hẹn hò công khai có thể khiến đôi nam nữ rắc rối to nếu họ vẫn còn là học sinh, sinh viên
Họ mai phục ở những nơi vắng người mà các đôi yêu nhau hay tìm đến tâm sự như núi hay nhà bỏ hoang. Khi bắt được quả tang, họ dọa sẽ thông báo cho nhà trường và bố mẹ các “đương sự”, dọa sẽ hỏi han rồi loan tin cho hàng xóm láng giềng, khu phố. Cuối cùng, điều thường xảy ra sẽ là “Họ đút lót cho chúng tôi ít tiền để xin chúng tôi tha cho”, Kim Hong Bo cho biết.
Gái xinh mà không có tiền thì vẫn ế
Công khai chuyện yêu đương ở Triều Tiên không phải là việc dễ. Nhưng riêng đối với phụ nữ ở đây, tìm được một người để yêu và lấy làm chồng còn khó hơn.
Theo Xu Jingpo thì ở Ranson cũng như nhiều nơi khác của Triều Tiên, đàn ông tìm vợ thì ít mà phụ nữ kiếm chồng thì nhiều. Thanh niên Triều Tiên phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, và thường tại ngũ đến 10 năm. Khi họ giải ngũ, dù đã ngấp nghé tuổi 30, tài sản hầu như chẳng có gì thì đối với chị em, vẫn là của quý. Và thường cô nào gia đình khá giả một chút, hoặc tự tích lũy được ít lưng vốn sẽ dễ được các anh để mắt đến hơn.
Xu Jingpo vẫn còn ấn tượng về một nữ nhân viên phục vụ tại một quán ăn mà ông thường lui tới khi ở Ranson. Cô gái còn trẻ, xinh xắn, giản dị, thuần khiết. Nếu ở nơi khác, có lẽ cô đã lấy chồng, có khi còn có nhà, có xe. Nhưng ở đây, cô phải dành dụm từng đồng, không dám ăn uống ngon lành, không mua mỹ phẩm, cốt sao tích góp được một khoản để làm vốn lấy chồng.
Xu Jingpo và cô nhân viên phục vụ người Triều Tiên
Một lần, Xu Jingpo hỏi đùa cô gái “Hay là em làm vợ tôi đi.” Cô gái đỏ mặt đáp “Thế không được đâu”. Lúc đầu, Xu tưởng cô gái nói thế ý là “Em không muốn”. Nhưng sau này, khi hỏi bạn bè người Triều Tiên, ông mới biết, dù cô có muốn thì cũng không thể. Người Triều Tiên không được kết hôn với người nước ngoài. Dù có là người Trung Quốc đi nữa, nếu muốn lấy chồng, lấy vợ Triều Tiên thì cũng chỉ có một cách: Trở thành công dân Triều Tiên.