Nhật từ chối “bắt tay” Nga, định hội đàm Trung Quốc

Nhật Bản hôm 28-7 từ chối đề xuất cùng khai thác Vùng lãnh thổ phương Bắc (Nga gọi là quần đảo Kuril) của Nga. Trong khi đó, Tokyo cho hay Thủ tướng Shinzo Abe có thể sớm hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngày 28-7, theo một số nguồn tin ngoại giao Nga, nước này đã đề xuất cùng khai thác phát triển bốn đảo tranh chấp với Nhật Bản bao gồm Etorofu, Kunashiri, Shikotan và Habomai.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov đưa ra đề xuất này trong cuộc gặp người đồng cấp Nhật Bản Masaji Matsuyama tại thành phố St. Petersburg - Nga cuối tháng trước. Phía Nga sẽ chấp nhận sự tham gia của chính phủ và lĩnh vực tư nhân Nhật Bản vào các dự án cơ sở hạ tầng, phát triển năng lượng trên 4 hòn đảo.

Tokyo không chấp nhận đề xuất trên vì điều đó đồng nghĩa với việc công nhận chủ quyền của Nga đối với các đảo tranh chấp.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cấp cao Nhật Bản nói rằng Tokyo không chấp nhận đề xuất trên vì điều đó đồng nghĩa với việc công nhận chủ quyền của Nga đối với các đảo tranh chấp và làm suy yếu tuyên bố chủ quyền của Nhật đối với các đảo này.

“Sự tham gia của các công ty Nhật trong các dự án phát triển chung theo luật pháp Nga có thể làm gia tăng sự công nhận đối với chủ quyền của Nga đối với quần đảo tranh chấp” - một quan chức giấu tên cho biết. Ngoài ra, Tokyo đã yêu cầu Moscow xem xét lại đề xuất trên.

Trong một vụ việc khác, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể sớm họp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thông tin trên do một cố vấn của Thủ tướng Abe, ông Isao Iijima, tiết lộ sau chuyến đi bí mật tới Bắc Kinh để gặp gỡ các quan chức cấp cao của Trung Quốc trong tháng 7. Tuy nhiên, vị quan chức này từ chối tiết lộ danh tính của những người ông đã tiếp xúc cũng như chi tiết về cuộc thảo luận với Trung Quốc. “Tôi đến Bắc Kinh để hỏi xem họ thực sự đang nghĩ gì” – ông Iijima cho biết.

Ông Isao Iijima trả lời báo giới tại sân bay Bắc Kinh hôm 17-5. Ảnh: ASAHI

Cuối tuần trước, ông Abe phát biểu cần tổ chức cuộc họp không điều kiện giữa ông và lãnh đạo Trung Quốc càng sớm càng tốt. Mặc dù Bắc Kinh phản ứng rất lạnh nhạt với lời kêu gọi của ông Abe, song ông Isao Iijima tiết lộ rằng lãnh đạo Trung Quốc đang xem xét về lời kêu gọi này và ông Iijima tin rằng phía Trung Quốc sẽ hưởng ứng.

Theo kế hoạch, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki sẽ đến thăm Trung Quốc trong hai ngày 29 và 30-7 để hội đàm với các quan chức nước này. Đây là nỗ lực mới nhất của Thủ tướng Shinzo Abe để cải thiện mối quan hệ vốn căng thẳng vì vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại