Nhật ra 'đòn hiểm' chặt ý định 'vươn vòi bạch tuộc' của TQ

Papua New Guinea (PNG) hôm 10.7 là điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình công du 3 nước tại Thái Bình Dương của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Kết thân với PNG là cách tốt nhất để chặt chiến lược phòng ngự từ xa của Trung Quốc (TQ) tại Thái Bình Dương.

Chuyến đi lịch sử

So với 2 chuyến thăm Úc và New Zealand, chuyến thăm PNG ít được truyền thông thế giới nhắc hơn. Điều này cũng dễ hiểu vì Úc và New Zealand là những nước có tiếng nói trên trường quốc tế, thành viên trong nhóm Five Eyes có quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ.

Còn PNG là một quốc gia ít được biết đến với dân số chỉ vài triệu người, hầu như ít được nhắc đến trong các bản tin thời sự. Tuy nhiên, không vì thế mà chuyến thăm này kém ý nghĩa mà còn mang tính đột phá hơn với Nhật.

Tại New Zealand và Úc, Nhật chỉ khẳng định lại những cam kết với hai đồng minh. Còn tại PNG, ông Abe tạo ra trang sử mới trong quan hệ hai nước và chặn đứt ý định vươn vòi bạch tuộc ra biển của Bắc Kinh.

Tháp tùng ông Abe có 150 doanh nghiệp Nhật mang nhiều hợp đồng quan trọng cho PNG. Tháng trước, PNG đã lần đầu xuất dầu mỏ sang cho Nhật và hãng Mitsubishi dự định xây một nhà máy lọc dầu 1 tỉ USD cho PNG.

Thủ tướng Abe khẳng định, cam kết giúp đỡ cho PNG trong tương lai một cách chặt chẽ. Ông Abe phát biểu: "Tôi bày tỏ sự sẵn sàng trong việc hỗ trợ Papua New Guinea phát triển trong tương lai. Tôi cũng bày tỏ quyết tâm của Nhật Bản trong việc góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên thế giới bao gồm cả khu vực Thái Bình Dương, cùng với người dân và chính phủ Papua New Guinea".

Hai phu nhân hai thủ tướng tại PNG

Bà Jenny Hayward-Jones, giám đốc Chương trình Melanesia Myer tại Viện Lowy, cho biết chuyến thăm của ông Abe được dự định như một lời nhắc nhở về vai trò của Nhật Bản trong khu vực. "Chuyến thăm này là một tín hiệu lớn trong khu vực và cũng để nhắc TQ rằng Nhật Bản vẫn còn tầm ảnh hưởng trong khu vực", bà nói.

"Thương mại và lợi ích đầu tư vào PNG rất có ý nghĩa. Nó không chỉ giúp Nhật giải quyết bài toán năng lượng thay vì phụ thuộc vào Trung Đông, mà còn tạo lợi ích chính trị cho Nhật. Vì thế, ông Abe dành đến hai ngày tại PNG và mang theo một phái đoàn lớn".

Vì sao Nhật coi trọng PNG?

PNG có vị trí chiến lược khá quan trọng trên bản đồ. Muốn từ châu Á xuống châu Úc thì phải kiểm soát được PNG. Trong Thế chiến 2, Nhật cũng đã chiếm PNG và định dùng bàn đạp để tấn công Úc. Những điều đó là quá khứ và giờ Úc, Nhật là đồng minh thì vị trí PNG càng quan trọng với trục liên minh xuyên Thái Bình Dương.

TQ cũng đánh giá rất cao vị trí của PNG. Trong chiến lược phòng ngự của TQ, họ muốn thâu tóm ảnh hưởng tại quốc gia này và coi đây là mắt xích quan trọng trong chuỗi đảo thứ hai cần kiểm soát (chuỗi đảo thứ hai kết nối các quần đảo Izu, Saipan và PNG).

Nếu không tạo ảnh hưởng trong chuỗi đảo thứ hai, TQ sẽ phải co cụm ảnh hưởng trên biển và tắt mộng làm chủ Thái Bình Dương.

Trước giờ, PNG chịu ảnh hưởng nhiều từ Úc. Trong vài năm gần đây, TQ ra sức lôi kéo ảnh hưởng tại bán đảo này nhưng giờ Nhật đã nhảy vào. Cùng với tác động từ Úc thì sẽ khó có chuyện PNG thành một quốc gia dễ bảo với TQ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại