Nhà Trắng dọn đường cho Obama nếu "thất thủ" tại Thượng viện

Hải Võ |

Chinanews (Trung Quốc) đưa tin, cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ được tổ chức vào ngày 4/11. Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, đảng Cộng hòa có nhiều khả năng sẽ kiểm soát cả Thượng và Hạ viện Mỹ.

Điều này sẽ khiến Tổng thống Barack Obama "gặp muôn vàn khó khăn" nếu muốn thúc đẩy các chính sách của ông trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ.

Theo Chinanews, trong nhiều tuần qua, đội ngũ của Tổng thống Mỹ đã tiến hành chuẩn bị các phương án thay đổi phương châm chính sách và biện pháp quản lý, trong tình huống đảng Dân chủ "tuột tay" tại Thượng nghị viện, nhằm hạn chế trở ngại trong việc thi hành chính sách của Tổng thống.

Chính quyền của Tổng thống Obama đã phân chia chính sách trong 2 năm sắp tới thành 3 loại, bao gồm chính sách không cần thông qua quốc hội, chính sách có khả năng phải thông qua thỏa thuận với đảng Cộng hòa để phê duyệt và chính sách hoàn toàn không có khả năng được duyệt nhưng có thể vạch ra đường hướng cốt lõi cho đảng Dân chủ, nhằm "dọn đường" cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.

Biểu tượng đảng Cộng hòa (trái) và đảng Dân chủ Mỹ. Ảnh: Chinanews.

Biểu tượng đảng Cộng hòa (trái) và đảng Dân chủ Mỹ. Ảnh: Chinanews.

Sử dụng quyền lực hành chính

Quan chức Nhà Trắng cho hay, bất kể đảng Cộng hòa có sẵn sàng hợp tác hay không thì Tổng thống Barack Obama cũng sẽ tiếp tục sử dụng quyền lực hành chính để thúc đẩy các chính sách của ông về khí hậu, di dân, năng lượng, bình đẳng người đồng tính và kinh tế...

Chinanews tiết lộ, nhiều khả năng ngay sau cuộc bầu cử giữa kỳ, ông Obama sẽ tuyên bố đơn phương cải cách điều lệ di dân, qua đó nới rộng điều kiện lưu trú dành cho người nhập cư bất hợp pháp. Tổng thống Mỹ cũng được cho là sẽ "học tập" con đường của những người tiền nhiệm, trong 2 năm cuối cùng tập trung vào lĩnh vực ngoại giao vốn ít gặp trắc trở hơn.

Các cố vấn trong và ngoài Nhà Trắng cũng nhận định, bộ máy những nhân vật được Tổng thống Mỹ tin tưởng đang ngày càng thu hẹp lại. Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough đang phải gánh quá nhiều nhiệm vụ, trong khi những cố vấn chính trị trước kia có tầm ảnh hướng lớn lại đang bị "bỏ rơi".

Một cựu nhân viên tư vấn hành chính của Nhà Trắng cho rằng, ông Obama cần phải mở rộng đội ngũ trợ lý của mình, đồng thời mạnh dạn tiếp nhận "những luồng gió mới" về ý kiến và khiến quá trình quyết sách trở nên cởi mở hơn.

Có phân tích cho rằng, cho dù đảng Cộng hòa "chiếm lại" Thượng viện thì chính trường nước Mỹ cũng sẽ không xuất hiện thay đổi quá lớn. Mặc dù phần lớn chính sách quan trọng cần phải đạt được 60/100 phiếu của Thượng viện mới được thông qua, tuy nhiên dựa trên đánh giá trước mắt, một số chuyên gia cho rằng cả hai đảng đều "không thể đảm bảo có được số phiếu trên". Chinanews dẫn lời một thành viên đảng Dân chủ có quan hệ thân với Nhà Trắng đánh giá, cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay chỉ là "sự khác biệt giữa 96% và 100% bế tắc".

Chính sách ngoại giao và an ninh của Tổng thống Obama đang trở thành điểm yếu có thể khiến đảng Dân chủ tuột tay tại cuộc bầu cử giữa kỳ.

Chính sách ngoại giao và an ninh của Tổng thống Obama đang trở thành điểm yếu có thể khiến đảng Dân chủ "tuột tay" tại cuộc bầu cử giữa kỳ.

Ngoại giao: Không kích IS trở thành con dao 2 lưỡi

Theo Chinanews, việc Mỹ can thiệp quân sự tại Iraq và Syria đã khiến chính sách ngoại giao của nước này trở thành tiêu điểm tại cuộc bầu cử giữa kỳ. Kể từ khi Tổng thống Obama nắm quyền tới nay, chính sách ngoại giao luôn bị coi là điểm yếu của ông. Các nhà phân tích nhận định, ông Obama đã đi đến quyết định can thiệp quân sự vào Iraq và Syria nhằm thoát khỏi hình ảnh "nhà ngoại giao yếu đuối". Tuy nhiên, chính sách này cũng đồng thời khiến người dân Mỹ nảy sinh nghi vấn, và trở thành con dao 2 lưỡi đối với ông Obama.

Trước khi tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) trở thành tiêu điểm của thế giới, chủ đề tranh luận của cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ chủ yếu xoay quanh các vấn đề nội địa như chi tiêu của chính phủ, chương trình cải tổ y tế Obamacare... Tuy nhiên, sau vụ IS chặt đầu 2 nhà báo người Mỹ và liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu tiến hành không kích tại Iraq và Syria thì vấn đề chống khủng bố, an ninh quốc gia và ngoại giao mới lại trở thành "điểm nóng", đặt các ứng cử viên vào tình thế đối mặt với việc cân bằng giữa chính sách ngoại giao và nội địa.

Tờ Washington Post và hãng thông tấn ABC hôm 2/11 đăng tải thông tin về cuộc trưng cầu dân ý, cho thấy hình ảnh Tổng thống Obama tiếp tục đi xuống trước thềm bầu cử giữa kỳ. Theo đó, chỉ 44% người tham gia trưng cầu cho biết "vẫn có ấn tượng tốt với Tổng thống", và 50% có câu trả lời ngược lại.

William Galston - Trợ lý cũ của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton - chỉ ra rằng, biểu hiện ngoại giao của ông Obama đã trở thành gánh nặng đối với đảng Dân chủ, qua đó ông Galston mô tả cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay đã biến tướng thành "cuộc bỏ phiếu đối với Obama".

Chinanews cho hay, bên cạnh cuộc tranh luận về an ninh quốc gia và ngoại giao trở nên "nóng bỏng", đảng Cộng hòa đã bắt đầu công kích chính sách an ninh quốc gia của đảng Dân chủ. Đây cũng được đánh giá là "trận đánh tiền tiêu" đối với những nhân vật thuộc đảng Cộng hòa chạy đua vào Nhà Trắng như Thống đốc bang New Jersey Chris Christie và Thống đốc bang Texas Rick Perry.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại