Cho tới nay, ông Alejandro Cao de Benos là người nước ngoài duy nhất làm việc cho chính phủ Triều Tiên và được mệnh danh là sứ giả, người phát ngôn của nước này ở phương Tây. Trên thực tế, ông Benos đang được đánh giá là một nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy vị thế của Triều Tiên.
Quý tộc phương Tây yêu cách mạng
Là người Tây Ban Nha, sinh ra trong một gia đình quý tộc có truyền thống về quân sự, song ông Benos lại luôn hướng về cách mạng, về chủ nghĩa xã hội: "Tôi không muốn dành cả cuộc đời để làm nô lệ cho chế độ tư bản. Ước mơ của tôi là trở thành một phần của cách mạng".
Ông Benos là thành viên danh dự của Ủy ban Quan hệ văn hóa với người nước ngoài, phát ngôn viên đặc biệt thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Ở quốc gia này, ông còn được biết tới với cái tên Zo Sun Il.
Ông Benos bắt đầu có những mối liên hệ trực tiếp với Bình Nhưỡng từ năm 2000, khi ông xây dựng trang web đầu tiên cho quốc gia này, nơi mà tất cả mọi người đều có thể truy cập vào nếu muốn tìm hiểu về đất nước Triều Tiên.
Tuy nhiên, suốt cả 1 thập kỉ trước đó, khi còn là một cố vấn Công nghệ thông tin tại Pamploma và Mỹ, ông Benos đã luôn dành sự ngưỡng mộ cho cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành và đất nước Triều Tiên đầy bí ẩn.
Ông Benos nói rằng ông bắt đầu yêu mến Triều Tiên từ khi còn là một cậu thanh niên. Ông say mê đọc các bài viết của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành và Kim Jong Il. "Tôi biết tới ông Kim Jong Il khi tôi học về lí tưởng Juche (chủ nghĩa xã hội kiểu Triều Tiên)... Ông ấy thực sự là một nhà tư tưởng lớn".
Trả lời phỏng vấn một nhà báo người Ý ten là Enzo Reale năm 2010, ông Benos tâm sự: "Khi 15 tuổi, tôi đang đi tìm một chế độ phản ảnh được lý tưởng của tôi về một xã hội bình đẳng. Đó là thời điểm Liên bang Xô Viết sụp đổ... Ước mơ của tôi luôn luôn là phục vụ cho chủ nghĩa xã hội thực sự. Tôi hoàn toàn cảm thấy đồng cảm với Triều Tiên không chỉ về lí tưởng mà còn về tinh thần và văn hóa".
Ông Benos từng chia sẻ rằng, để có thể được cống hiến cho Triều Tiên như ngày nay, ông đã mất rất nhiều thời gian tìm cách gặp gỡ với các quan chức quốc gia châu Á này. "Hãy tưởng tượng bạn mang hoa tới nhà một cô gái mỗi ngày và cô ấy luôn từ chối bạn".
Ông Benos trong bộ quân phục Triều Tiên.
Năm 16 tuổi, ông Benos đã có được cơ hội của mình khi lần đầu được trò chuyện với một phái đoàn của Triều Tiên trong Triển lãm tổ chức du lịch Thế giới ở Madrid. Ông vẫn còn nhớ rằng vào lúc đó, "họ đối xử với tôi như thể tôi là con trai họ". Hai năm sau đó, ông lần đầu tiên tới Triều Tiên và mối quan hệ sâu sắc với quốc gia này cũng bắt đầu từ đó.
Tình yêu lớn đối với Triều Tiên của ông Benos cũng khiến ông phải đánh đổi không ít. Ông mất việc, mất bạn bè, làm gia đình phiền lòng và trở thành người rất cô độc trong suốt một khoảng thời gian. Song ông vẫn khăng khăng niềm tin không bao giờ dao động.
"Nếu tôi đã đi con đường khác, trong CNTT hay chính trị, tôi đã có thể thành công sớm hơn mà không gặp trở ngại. Tôi không phải là một triệu phú, tôi có thể đã một tỉ phú. Nhưng tôi là một người của cách mạng".
"Bạn bè của tôi thường nói rằng chúng tôi yêu bạn, nhưng điều bạn muốn làm là không thể. Song ông Kim Jong Il đã dạy cho tôi rằng từ "không thể" không xuất hiện ở Triều Tiên".
Nhân viên ngoại giao hết mình vì Triều Tiên
Ông Benos đã tự đứng lên thành lập Hội hữu nghị Triều Tiên – nơi tụ họp của những người ủng hộ, có cảm tình với chính phủ Triều Tiên.
Trên website của mình, tổ chức này nói rằng mục đích của họ là "mang tới sự thật về Triều Tiên với thế giới, bảo vệ độc lập và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Triều Tiên, làm việc vì sự hòa bình thống nhất trên bán đảo Triều Tiên". Họ đã có hơn 10.000 thành viên tại 120 quốc gia trên khắp thế giới.
Cũng chính nhờ Hội hữu nghị này mà không lâu sau đó, ông Benos được cấp hộ chiếu Triều Tiên và trở thành đại diện hợp pháp của nước này.
Ông Benos trong một buổi diễn thuyết với người nước ngoài về Triều Tiên.
Trong cương vị của mình, ông Benos dành khoảng một nửa thời gian mỗi năm ở Bình Nhưỡng, tổ chức các cuộc gặp gỡ với các đoàn đại biểu quốc tế, làm trung gian cho những người tới Triều Tiên tìm kiếm cơ hội đầu tư, làm phim tài liệu hay thậm chí chỉ là đi du lịch, thăm quan đất nước.
Thời gian còn lại ông Benos đi diễn thuyết khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, trong nỗ lực nhằm giới thiệu hình ảnh Triều Tiên đẹp hơn và thuyết phục sự ủng hộ của người nước ngoài với quốc gia này.
Trong một bài trò chuyện, ông từng nói rằng "95% tin tức về Triều Tiên là sai".
Chỉ tay vào bức ảnh những đứa trẻ con nông thôn đang cười đầy hồn nhiên, ông khẳng định rằng Triều Tiên không có nghèo đói, không có đàn áp chính trị. Ở đó, mỗi người dân đều có nhà, có tiền và được chính phủ phát gạo ăn.
Ông Benos cũng từng nói rằng các lệnh trừng phạt gần như không ảnh hưởng tới kinh tế Triều Tiên. "Chúng tôi muốn hòa bình...Nhưng chúng tôi sẽ không quỳ gối để có được nó".