Người cuối cùng ném bom nguyên tử xuống Hiroshima qua đời

Ngọc Linh |

(Soha.vn) - Ông Theodore Van Kirk, thành viên cuối cùng trên chiếc máy bay ném quả bom nguyên tử xuống Hiroshima trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã qua đời.

Tom Van Kirk, con trai ông Theodore Van Kirk cho hay, ông đã qua đời ở tuổi 93 tại nhà dưỡng lão ở bang Georgia (Mỹ) hôm 28/7.

Theo AP, ông Van Kirk đã thực hiện gần 60 vụ ném bom, nhưng chính vụ ném bom tại Thái Bình Dương đã ghi tên ông vào lịch sử thế giới.

Năm 24 tuổi, ông Van Kirk làm hoa tiêu trên chiếc B-29 Superfortress mang tên Enola Gay, chiếc máy bay đã thả quả bom nguyên tử đầu tiên trong chiến tranh xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản vào ngày 6/8/1945. 140.000 người đã thiệt mạng vì vụ nổ và những tác động của nó.

Ông Van Kirk ở lại trong quân ngũ một năm sau khi chiến tranh kết thúc. Sau đó, ông đã đi học và có bằng kỹ sư hoá học, đồng thời ký hợp đồng với DuPont, nơi ông làm việc cho tới khi về hưu vào năm 1985.

Như nhiều cựu binh Chiến tranh Thế giới thứ 2 khác, ông Van Kirk không nói nhiều về công việc của mình cho tới mãi sau này. “Tôi thậm chí không nhận ra rằng ông đã thực hiện nhiệm vụ đó cho đến khi tôi 10 tuổi và đọc một số mẩu tin cũ trong căn gác của bà tôi", Tom Van Kirk nói với AP.

Cùng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt mang số hiệu 13 này với ông Van Kirk còn có phi công Paul Tibbets và sĩ quan ném bom Tom Ferebee.

Ông Paul Tibbets đã qua đời năm 2007, còn ông Tom Ferebee đã mất năm 2000.

Trong một cuộc phỏng vấn với AP năm 2005, ông Van Kirk nói rằng ông đã hướng dẫn máy bay ném bom bay qua bầu trời ban đêm, chỉ chậm 15 giây so với dự kiến. Khi quả bom nặng 9.000 pound (4080 kg) có tên gọi là “Little Boy” rơi xuống thành phố đang ngủ, ông nói rằng ông và và phi đội bay của mình hy vọng sẽ trốn thoát khỏi vụ nổ.

Theo ông, họ không biết được chính xác liệu quả bom có thực sự hoạt động không, và nếu nó hoạt động thì sóng xung kích của vụ nổ có xé tan máy bay của họ thành từng mảnh hay không. Họ đếm – một nghìn lẻ một, một nghìn lẻ hai – khi đếm được 43 giây họ được thông báo nó là sẽ nổ và họ sẽ không nghe thấy gì.

“Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người trên máy bay đã kết luận rằng nó là một quả bom tồi. Nó dường như lâu hơn 43 giây", Van Kirk nhớ lại.

Ông Van Kirk từng bày tỏ quan điểm với AP rằng, việc Mỹ sử dụng bom nguyên tử là cần thiết vì nó rút ngắn chiến tranh và loại bỏ sự cần thiết phải tiến hành một cuộc đổ bộ xâm lược của Quân đồng minh  - có thể gây thương vong nhiều hơn cho cả hai phía. “Tôi thành thật tin rằng việc sử dụng bom nguyên tử đã cứu mạng sống con người trong một thời gian dài. Có rất nhiều người được cứu sống. Hầu hết những người được cứu là người Nhật Bản”.

Nhưng cũng chính điều này khiến ông rất cảnh giác với chiến tranh. "Những gì đã xảy ra trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 cho thấy chiến tranh không giải quyết được bất cứ điều gì. Và vũ khí nguyên tử không giải quyết được bất cứ điều gì. Cá nhân tôi nghĩ rằng không nên có bất kỳ quả bom nguyên tử nào trên thế giới – tôi muốn nhìn thấy tất cả được dỡ bỏ. Nhưng nếu ai có một quả, thì tôi muốn mình có nhiều hơn kẻ thù của mình”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại