Người "chị lớn" ít được biết tới của ông Tập Cận Bình là ai?

Hải Võ |

Có lý lịch được giới thiệu khá sơ sài, chị cả của ông Tập là một trong những người được dư luận chú ý gần đây khi chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh "nóng" trở lại.

Sau khi cựu Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc, Trung Quốc Chu Bản Thuận bất ngờ "ngã ngựa" hồi cuối tháng 7, chiến dịch "đả hổ đập ruồi" của ông Tập Cận Bình đã "nóng" trở lại trên các mặt báo quốc tế.

Ngay sau khi Chu bị điều tra, Bắc Kinh đã mạnh tay xử lý tiếp "hổ béo" Quách Bá Hùng - cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Hãng tin Tân Đường Nhân (Mỹ) tiết lộ, "cơn bão chống tham nhũng" mà ông Tập đứng đầu đang nhận được những sự hỗ trợ đắc lực từ người thân của chính nhà lãnh đạo này, đặc biệt từ bà Tề Kiều Kiều - chị gái Tập Cận Bình và được gọi là "chị lớn".

Tề Kiều Kiều là ai?

Việc bà Kiều không mang họ Tập là điều khiến nhiều người hiếu kỳ.

Thông tin công khai từ kho tư liệu Baidu (Trung Quốc) cho thấy, cựu Phó thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân có 4 con với người vợ 2 là bà Tề Tâm, gồm 2 nam là Tập Cận Bình, Tập Viễn Bình; 2 nữ gồm Tập Kiều Kiều và Tập An An.

Bà Tập Kiều Kiều sinh ngày 1/3/1949, lớn hơn ông Tập Cận Bình 4 tuổi.

Theo Baidu, bà Kiều tiết lộ, giai đoạn trước khi lên học cấp 2, bà vẫn mang họ Tập. Thời điểm đó, Tập Kiều Kiều theo học tại trường 1/8 dành cho con em cán bộ đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh.

Tuy nhiên, khi lên cấp 2 bà chuyển về trường Trung học Bắc Kinh-Hà Bắc, ngôi trường có thu nhận cả học sinh từ các vùng nông thôn.

Bà cho biết: "Khi đó, cha chúng tôi là Phó Thủ tướng và thường xuất hiện trên báo chí, trong khi không nhiều người mang họ Tập, nên chúng tôi rất dễ gây chú ý."

Vì vậy, chính ông Tập Trọng Huân đã yêu cầu Tập Kiều Kiều và Tập An An đổi sang họ mẹ, tức họ Tề. Chức vụ của phụ huynh ghi trong lý lịch của bà cũng đổi thành "viên chức". Từ đó, cái tên Tề Kiều Kiều đã theo bà cho đến nay.

Bà Tề Kiều Kiều - chị gái chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Baidu

Bà Tề Kiều Kiều - chị gái chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Baidu

Hậu phương vững chắc của ông Tập

Dù là thời gian trước hay sau khi ông Tập trở thành chủ tịch Trung Quốc, Tề Kiều Kiều vẫn là nhân vật được dư luận chú ý, đặc biệt khi truyền thông Hồng Kông và quốc tế cho rằng bà "là hậu thuẫn vững chắc cho chiến dịch 'đả hổ' của Tập Cận Bình".

Tân Đường Nhân tiết lộ, 4 chị em trong gia đình ông Tập có tình cảm tốt đẹp. Khi tất cả phải nghỉ học do Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, bà Kiều đang học cấp 3, bà Tập An An cấp 2, còn Tập Cận Bình vừa tốt nghiệp cấp 1.

Ông Tập cũng rất kính trọng 2 người chị của mình. Do cha mẹ bận rộn nên phần nhiều kiến thức mà ông học được đến từ bà Kiều.

Bà cũng được xem là "cô giáo vỡ lòng" cho em trai mình. Thói quen đọc sách của ông Tập là ảnh hưởng từ chính bà, Tân Đường Nhân cho biết.

Hãng thông tấn này cho hay, kể cả về sau này, khi ông Tập Cận Bình nắm những chức vụ cao hơn thì trong các cuộc họp gia đình, lời nói của bà Kiều vẫn rất có sức nặng và thường được các em lắng nghe.

Cuộc đời người chị "ít được biết đến" của Tập Cận Bình

Những thông tin được công khai tại Trung Quốc hoàn toàn không nhắc tới quá trình công tác của Tề Kiều Kiều, mà chỉ giới thiệu về mối quan hệ gia đình với ông Tập Cận Bình.

Theo Tân Đường Nhân, chị cả của ông Tập được đánh giá là một người "coi trọng tình nghĩa, đầu óc tỉnh táo và sống phóng khoáng", đồng thời là "một phụ nữ kiên cường, thông minh, luôn cố gắng làm tốt nhất mọi việc".

Thời kỳ Cách mạng Văn hóa, ông Tập Trọng Huân bị "nhóm 4 tên" hãm hại. Bà Kiều khi đó 19 tuổi, công tác tại nông trường ở Nội Mông với mức lương 5 NDT/tháng và dành dụm gửi về cho các em, trong đó có ông Tập đang về lao động ở nông thôn.

Năm 1976, "nhóm 4 tên" bị xử lý. Hai năm sau đó, Tập Trọng Huân được trở lại chính trường và được Trung ương trao quyền ở tỉnh Quảng Đông. Tề Kiều Kiều đi theo cha trong vai trò thư ký.

Khi ông Tập "cha" được điều về Trung ương năm 1980, bà Kiều cũng trở lại Bắc Kinh công tác.

Bước sang thập niên 1990, ông Tập Trọng Huân về nghỉ hưu tại Quảng Đông. Tề Kiều Kiều rút khỏi công việc ở Bắc Kinh và đảm nhận trách nhiệm chính chăm sóc cha mẹ.

Ngày 24/5/2002, Tập Trọng Huân qua đời ở tuổi 89. Tề Kiều Kiều khi đó 53 tuổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại