Trước đó, lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh tuyên bố, cảnh sát “sẽ làm mọi việc cần thiết” để bảo đảm rằng, các trụ sở chính quyền và trường học mở cửa trở lại vào thứ Hai (6/10).
Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông nói rằng, họ đã mở lối đi bên ngoài trụ sở chính quyền để công chức có thể đi làm bình thường vào thứ Hai. Cảnh sát cũng di dời các chướng ngại vật mà người biểu tình dựng bên ngoài các tòa nhà của chính quyền.
Hôm qua, cả đại diện chính quyền Hồng Kông và người biểu tình tỏ ý rằng, họ sẵn sàng bắt đầu đàm phán để tìm ra giải pháp chấm dứt một tuần đối đầu căng thẳng, BBC đưa tin.
Lẽ ra, đàm phán bắt đầu hôm 4/10, nhưng người biểu tình không tham gia, sau khi bị những người ủng hộ Bắc Kinh đánh đập ở quận Mong Kok. Reuters đưa tin, ngày 5/10, một số người biểu tình ở Mong Kok rời khỏi quận này. Họ nói sẽ gia nhập nhóm biểu tình chính ở bên ngoài các trụ sở công quyền ở quận Admiralty.
“Dân chủ nóng vội sẽ đem lại rắc rối”
Sự ổn định và thịnh vượng của Hồng Kông không phải dễ dàng có được nên cần được trân trọng, Xinhua ngày 5/10 dẫn lời một số người bày tỏ phản đối phong trào “Chiếm trung tâm”.
Yin Haoliu, một người Mỹ gốc Trung Quốc, viết thư ngỏ gửi 3 người khởi xướng phong trào “Chiếm trung tâm”.
Thư có đoạn viết: “Dân chủ là một quá trình diễn ra từng bước, không thể giải quyết nóng vội. Nếu không, dân chủ sẽ đem lại rắc rối”.
Theo bác sĩ đã nghỉ hưu Yin Haoliu, nếu Hồng Kông rơi vào cảnh hỗn loạn, một số người có quyền, có tiền có thể ra nước ngoài sinh sống, nhưng số đông ở lại sẽ chịu tác động tiêu cực.
“Các sự kiện ở Hồng Kông là công việc nội bộ của Trung Quốc. Nga hy vọng sự ổn định của Đặc khu hành chính Hong Kong sẽ trở lại càng sớm càng tốt”, Cục Thông tin Báo chí - Bộ Ngoại giao Nga nói với Xinhua.
Trả lời phỏng vấn báo Singapore Lianhe Zaobao, Ngoại trưởng Singapore Kasiviswanathan Shanmugam nói rằng, kế hoạch của Bắc Kinh đem lại cho Hồng Kông nhiều dân chủ hơn thời Anh cai trị khu vực này.
Jeff Bader, người phụ trách chính sách Đông Á của Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nói với báo Mỹ Washington Post rằng, Bắc Kinh không thỏa hiệp các vấn đề như sự ổn định của Trung Quốc, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc…
Ông Bader cho rằng, hàng triệu người Hồng Kông sẽ không ủng hộ các cuộc biểu tình khiến đặc khu này tê liệt nhiều ngày. Đám đông người biểu tình phong tỏa các phố lớn ở Mong Kok ít nhất 4 ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động thương mại, buộc các trường học, ngân hàng phải đóng cửa.
“Chảy máu chất xám” có thể sẽ là một trong các tác động tiêu cực của phong trào “Chiếm trung tâm”, ông Bader dự đoán.