Nga nói rằng cần chờ kết quả điều tra chính thức của LHQ về Syria.
Ngày 28.8, Anh đã tạo áp lực cho các thành viên HĐBA LHQ bỏ phiếu chấp thuận một nghị quyết tạo điều kiện có các biện pháp nhằm "bảo vệ thường dân tại Syria". Tuy nhiên, phiên họp 5 thành viên của HĐBA đã không đi đến kết quả nào khi cả Nga và Trung Quốc đều bước ra khỏi cuộc họp.
Dự thảo do Anh đề xuất tập trung vào Chương 7 của Hiến chương LHQ, vốn cho phép áp dụng biện pháp từ cấm vận cho đến can thiệp quân sự trong trường hợp hòa bình bị đe dọa, bị phá hoại hoặc có hành vi xâm lược.
Chiều cùng ngày, các đại sứ của Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ đã kết thúc cuộc thảo luận nhưng không xuất hiện dấu hiệu nào cho thấy HĐBA có thể sớm biểu quyết về một nghị quyết lên án việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.
Đại sứ của Trung Quốc và Nga, hai nước phản đối mạnh mẽ tấn công quân sự nhằm và Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đã rời cuộc họp kín này sau khoảng 75 phút thảo luận. Mỹ cho biết dự thảo nghị quyết lên án việc Syria sử dụng khí độc đã bị chặn tại HĐBA là do sự "không khoan nhượng" của Nga.
Tổng thống Barack Obama tuyên bố Mỹ đi đến kết luận rằng chính phủ Syria đã dùng vũ khí hóa học để tấn công gần Damascus vào tuần trước.
Ông nói rằng việc dùng vũ khí hóa học ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Mỹ và rằng "đưa ra biện pháp cảnh cáo" có thể có ảnh hưởng tích cực tới cuộc chiến tại Syria.
Tuy nhiên trả lời phóng vấn với PBS, Tổng thống Obama nói ông chưa quyết định về việc liệu có can thiệp bằng quân sự hay không.
Washington cho hay sẽ công bố một báo cáo tình báo về vụ Ghouta trong những ngày tới và thanh tra vũ khí LHQ hiện đang có mặt tại Syria để điều tra. Theo Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, phái đoàn cần thêm bốn ngày nữa để hoàn tất việc điều tra.
Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói "không có nghi ngờ gì" là chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học và phải chịu trách nhiệm về việc này.
Mỹ cũng tuyên bố sẵn sàng tấn công Syria nếu như Tổng thống Barack Obama ra lệnh, và các đồng minh của Mỹ nói sẵn sàng hành động.