Nga trở thành "điểm tựa" giúp ông Sarkozy quay lại ghế Tống thống?

Đức Dũng |

Ngày 30/10, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đến thăm Nga.

Cải thiện quan hệ Pháp-Nga và chứng minh tính độc lập trong chính sách đối ngoại là một yếu tố quan trọng để ông Sarkozy có thể quay trở lại tranh cử Tổng thống Pháp.

Yếu tố thúc đẩy ông Sarkozy thăm Nga

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy không phải là chính trị gia phương Tây có mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Nga Putin (giống như cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi hay cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder).

Thậm chí giữa ông Putin với ông Sarkozy cũng rất ít khi có cuộc tiếp xúc nào trong giai đoạn 2007-2008 vì sau khi ông Putin đắc cử Tổng thống Nga năm 2012, ông Sarkozy lại thất bại trong bầu cử và không thể tiếp tục nắm ghế Tổng thống Pháp.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến hai nhà lãnh đạo ít có cơ hội tiếp xúc với nhau là do ông Sarkozy là người hay chỉ trích các chính sách của ông Putin.

Sarkozy là người theo trường phái phương Tây thực sự, chính ông là người đã đưa Pháp quay trở lại làm thành viên NATO kể từ thời De Gaulle. Ông Sarkozy cũng là người bị đánh giá là khá “thực dụng”.

Theo lời cáo buộc của con trai cựu Tổng thống Libya Gaddafi, chính ông Sarkozy đã nhận từ ông Gaddafi hàng chục triệu USD để phục vụ cho chiến dịch tranh cử Tổng thống nhưng sau đó ông Sarkozy lại chính là người đề xuất ý tưởng can thiệp vào Libya và cử lực lượng đặc nhiệm Pháp quay trở lại để giết hại Gaddafi.

Tại Pháp, các chính trị gia ủng hộ phát triển bình thường mối quan hệ Nga-Pháp có cựu Tổng thống Jacques Chirac và Valéry Giscard d'Estaing, cựu Thủ tướng François Fillon và Dominique De Villepin.

Tất cả các chính trị gia này đều xuất thân từ đảng của Sarkozy mà hiện nay đảng này đã được ông Sarkozy đổi tên thành “đảng Cộng hòa”.

Điều quan trọng nhất đối với ông Sarkozy để có thể quay trở lại tranh cử Tổng thống Pháp là phải giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở nội bộ đảng Cộng hòa trong năm 2016.

Đối thủ chính của ông Sarkozy chính là Thị trưởng Nice Christian Estrosi-một người cũng có xu hướng muốn khôi phục mối quan hệ Nga-Pháp.

Xét tình hình chính trường Pháp hiện nay, cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp của ông Sarkozy là không nhỏ.

Phe xã hội của Tổng thống Hollande đang ở trong giai đoạn khủng hoảng sâu sắc, còn uy tín của ông F.Hollande lại đang trên đà sụt giảm.

Hiện uy tín của ông Sarkozy chưa bằng uy tín của Marine Le Pen (người được coi là kế thừa chính sách đối ngoại của de Gaulle). Tuy hiện, hiện chưa phải là thời điểm mà Le Pen có thể được bầu làm thủ lĩnh “Mặt trận dân tộc”.

Nếu như Le Pen lọt vào vòng 2 bầu cử Tổng thống Pháp thì cho dù đối thủ là ai, không ít cử tri Pháp cũng sẽ bầu cho đối thủ của Le Pen vì tâm lý quan ngại trước chính sách tuyên truyền mang tính “chủ nghĩa phát xít” của Le Pen.

Do đó, để có thể lọt vào vòng hai tranh cử Tổng thống Pháp, ông Sarkozy cần phải chứng minh được rằng mình là người có tư tưởng yêu nước lớn hơn so với Le Pen.

Nếu như Sarkozy cùng với một ứng cử viên phe Xã hội lọt vào vòng hai, những người ủng hộ Le Pen sẽ bầu cho ông Sarkozy.

Còn nếu như ông Sarkozy lọt vào vòng 2 cùng với ứng cử viên Le Pen thì ông Sarkozy sẽ nhận được sự ủng hộ của những người phe Xã hội.

Chính vì vậy, chuyến thăm Nga lần này của ông Sarkozy là nhằm chứng minh cho cử tri Pháp thấy rằng mình là người có tư tưởng bảo đảm chủ quyền quốc gia, hạn chế người nhập cư và thể hiện quan điểm muốn phát triển mối quan hệ Nga-Pháp.

Đây là chi tiết rất quan trọng vì Le Pen đã gia tăng được tỷ lệ ủng hộ của cử tri Pháp sau khi thể hiện được quan điểm chống NATO và thân Nga.

Ngoài ra, cả Sarkozy và Le Pen đều là những chính trị gia Pháp ủng hộ việc chuyển giao cho Nga 2 tàu Mistral- hợp đồng đã được ký dưới thời ông Sarkozy.

Cả hai cũng đều ủng hộ việc Nga lấy lại Crimea, cũng như chống lại các lệnh cấm vận đối với Nga. Chính vì vậy, hướng phát triển quan hệ với Nga cũng là một mặt trận quan trọng giữa Sarkozy và Le Pen.

Đề cao Nga để chứng minh sự độc lập trong chính sách đối ngoại

Theo giới phân tích Nga, do muốn tranh thủ sự ủng hộ của cử tri Pháp- những người đang “chán ngấy” vì chính sách đối ngoại phụ thuộc và “yếu đuối” của ông Hollande, nên ông Sarkozy đã có những động thái muốn chứng minh rằng nếu đắc cử Tổng thống Pháp, ông sẽ thực hiện một chính sách đối thoại độc lập với phương Tây và củng cố quan hệ với Nga.

Mục đích này đã được thể hiện rất rõ trong bài phát biểu của ông Sarkozy trước sinh viên trường Đại học quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO):

“Thế giới cần đến Nga. Nga và châu Âu cần phối hợp cùng nhau. Mặc dù giữa chúng ta đôi khi vẫn xảy ra bất đồng nhưng chúng ta luôn thỏa hiệp được với nhau.

Chính vì vậy, tôi sẽ không thể nào hiểu được sẽ tìm ra thỏa hiệp như thế nào nếu như không thảo luận vấn đề và không đưa ra những cam kết đối với người còn phản đối.

Điều cần thiết là phải tiếp xúc với nhau, cần phải thấu hiểu nhau và quan trọng nhất là chúng ta phải tôn trọng nhau.

Tôi không muốn khẳng định rằng thỏa hiệp chúng ta đã đạt được là hoàn hảo nhưng chúng ta đã tránh được đối đầu. Tôi tin tưởng rằng điều cần thiết là chúng ta cần phải vượt qua giai đoạn mâu thuẫn như hiện nay”.

Bà Le Pen.
Bà Le Pen.

Theo giới phân tích Nga, đây chính là lời nhắc khéo để người ta nhớ đến vai trò trung gian hòa giải của Pháp (chủ yếu là nỗ lực của ông Sarkozy) sau cuộc chiến của Nga chống lại Gruzia vào tháng 8/2008 và nỗ lực thúc đẩy đối thoại của ông Sarkozy.

Về nguyên tắc, ông Hollande không phản đối đối thoại Nga-Pháp khi mới đây ông Hollande đã mời ông Putin sang Paris vào cuối tháng 11 tới để thảo luận về vấn đề Syria và Ukraine.

Tuy nhiên, khả năng hành động một cách độc lập của ông Hollande là khá hạn chế. Sự hạn chế này thể hiện rõ nhất là thương vụ Mistral và trong vấn đề Ukraine khi Pháp luôn phải “theo đuôi” Mỹ và Đức.

Trong bối cảnh này, ông Sarkozy cần phải chứng minh cho cử tri Pháp thấy rằng ông sẽ không phụ thuộc vào NATO như ông Hollande và sẽ là người “bạn lớn” của Nga hơn Le Pen.

Điều này cũng đã được thể hiện qua bài phát biểu của ông Sarkozy tại MGIMO: “Tôi luôn luôn là người bạn chân thành của các bạn. Một người bạn thực sự là người luôn nói một cách chân thành nhất”.

Mục đích thể hiện chiến lược củng cố quan hệ với Nga của ông Sarkozy còn thể hiện quan việc ông đã đề cao vai trò của Nga và lên án những nỗ lực cô lập Nga của phương Tây:

“Nếu thiếu Nga, chúng ta không thể đối phó với những thách thức thực sự và những cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất hiện đang nảy sinh trên thế giới.

Những ai đang quên đi vai trò nền tảng của Nga đều là những người đang mắc sai lầm. Hiện không phải là thời điểm bàn luận những nguyên nhân dẫn đến bất đồng hiện nay giữa Nga và Pháp.

Nga và Pháp cần phải sát cánh cùng nhau hành động. Pháp cần đến sự gần gũi và đối thoại với Nga”.

Giới phân tích Nga nhận định rằng, chuyến thăm Nga lần này của ông Sarkozy nhận được sự quan tâm lớn của giới chính trị gia Pháp.

Hiện chính sách đối ngoại của phe Xã hội hiện không được coi trọng, thể hiện sự phụ thuộc và yếu đuối trước phương Tây của nước Pháp thời Hollande. Chính sách này đang bị đa phần chính trị gia và các đảng phái Pháp chỉ trích.

Chính vì vậy, đây là cơ hội tốt để Sarkozy ghi điểm trong mắt giới chính trị gia và dư luận xã hội Pháp.

Và chuyến thăm Nga là cơ hội để Sarkozy thể hiện một chính sách độc lập, không bị phụ thuộc vào bất cứ đối tác nào nhằm ghi điểm trong mắt cử tri Pháp-bước tạo đà cực kỳ quan trọng cho tham vọng quay trở lại nắm quyền Tổng thống Pháp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại