Nga lặng lẽ mở hướng khó, dự đoán của Putin sẽ thành sự thực?

My Lan |

Dù còn thua xa các đối thủ, song với Nga, việc nối lại quan hệ với châu Phi đang mang lại tín hiệu khả quan trong nỗ lực khẳng định vị thế cường quốc ,đánh bật ngôi bá chủ của Mỹ.

Không thể là "đối tác đàn em" của phương Tây

Trong một bài phân tích đăng tải trên trang tin Yahoo News mới đây, nữ nhà báo tự do người Kenya Christina Goldbaum nhận định, Moscow đã lặng lẽ tiến hành sự chuyển hướng quan trọng, "ve vãn" một đối tác quốc tế mới và dường như là không thể: Châu Phi.

Tổng thương mại của Nga với châu Phi đã tăng gấp 10 lần trong khoảng 1 thập kỷ qua. Xuất khẩu sang châu Phi nhảy vọt từ mức dưới 950 triệu USD lên 4 tỉ USD, còn nhập khẩu từ châu lục này cũng tăng từ 350 triệu USD lên 1,6 tỉ USD.

Bàn về chiến lược này của Nga, Giám đốc Viện Các vấn đề Quan hệ Quốc tế Nam Phi Elizabeth Sidiropoulos cho rằng:

"Với Nga, để khẳng định vị thế cường quốc toàn cầu sau thời gian dài bị phương Tây xem là "đối tác đàn em", "cần phải hiện diện tại tất cả các khu vực địa lý - và tất nhiên, châu Phi đang trở nên ngày càng quan trọng".

Nhà báo Kenya
Christina Goldbaum
Trên thực tế, vài năm trở lại đây, mối quan hệ "bất thường" này đã được nâng tầm lên một cấp độ mới, đầu tư của Nga ở châu Phi đã tăng lên với tốc độ đáng kinh ngạc.

Trên thực tế, hầu hết các nước phát triển đều không thể bỏ qua tầm quan trọng về kinh tế, vốn đang ngày càng tăng lên, của châu Phi.

5 năm tới đây, 8 trong số các quốc gia ở châu lục này sẽ nằm trong top 10 các nền kinh tế phát triển nhanh nhất, và trong vòng 15 năm tới, GDP của châu Phi được cho là sẽ ngang bằng với Đông Âu.

Ngay cả giờ đây, khi sở hữu nhiều trữ lượng khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt chưa khác thác lớn nhất thế giới, châu lục này cũng đã rất có sức lôi cuốn rồi.

Các công ty Nga cũng không thể "cưỡng lại" sự hấp dẫn đó. Nga đang nắm giữ 35% trữ lượng các mỏ khoảng sản trên thế giới, song phần lớn những mỏ chưa được tiếp cận lại nằm ở các khu vực xa xôi hẻo lánh tại Siberia và để khai thác được chúng thì khá tốn kém.

Trong khi đó, việc khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản từ các quốc gia như Angola, Nam Phi, Guinea và Nigeria - những nơi mà Nga đang triển khai các dự án đầu tư lớn, sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn.

Vào thời điểm trữ lượng dầu mỏ, khí đốt của Nga giảm mạnh, còn mức tiêu thụ năng lượng của châu Âu lại trên đà tăng, thì Moscow cũng đang phải tuyệt vọng tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế.

Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom mới đây đã hợp tác với công ty khí đốt quốc doanh Algeria và nhờ vậy, Nga sẽ được quyền kiểm soát 40% lượng tiêu thụ khí đốt của châu Âu.

Tác động chính trị tích cực

Nhà báo Goldbaum nhận định, không giống các quốc gia đang chạy đua trong cuộc tranh giành mới ở châu Phi, Nga có lợi thế là bè dày lịch sử với quốc gia này.

Kể từ Chiến tranh Lạnh, khi cuộc chiến ủy nhiệm giữa Liên Xô và Mỹ nổ ra trên đất châu Phi và phong trào giải phóng châu Phi nổ ra, Moscow đã xây dựng được một mạng lưới rộng lớn các mối liên hệ về chính trị và kinh tế với những quốc gia tại châu lục này.

Nhà nghiên cứu Alexandra Arkhangelskaya tại Viện Nghiên cứu châu Phi thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết: "Việc Liên Xô ủng hộ các quốc gia chiến đấu giành độc lập, tự do đã được ghi trong hiến pháp".

Vào thời điểm Liên Xô tan rã năm 1991, họ cũng đã thành lập được 20 trung tâm văn hóa, kí các thỏa thuận với 37 quốc gia châu Phi về việc hỗ trợ kinh tế và kĩ thuật, ký với 42 quốc gia thỏa thuận về thương mại.

Cũng ở thời điểm đó, Nga đã đào tạo hơn 35.000 người châu Phi trong các trường đại học của Liên Xô và đào tạo hơn 200.000 người khác tại chính châu lục của họ.

Cựu Tổng thống Mozambique, Tổng thống đương nhiệm của Angola và Nam Phi từng là cựu du học sinh Liên Xô.

Các mối quan hệ về chính trị với các đồng minh ở châu Phi cũng mất đi cùng với sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết. Bà Sidiropoulos cho rằng: "Tại Nga, nhiều người cảm thấy họ đã mất đi một cơ hội vàng khi tách rời khỏi châu lục này".


Tổng thống Nga Putin trong một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nam Phi Jacob Zuma.

Tổng thống Nga Putin trong một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nam Phi Jacob Zuma.

Hiện nay, dù rằng nhịp độ phát triển đang khá nhanh, song tổng vốn đầu tư của Nga ở châu Phi vẫn còn thua xa các đối thủ cạnh tranh, ví dụ như Ấn Độ.

Trung Quốc là 1 ví dụ khác. Nước này đã bắt đầu tiếp cận với các doanh nghiệp châu Phi trước Nga cả thập kỷ, và vì vậy, đã sở hữu vũ khí bí mật để đầu tư vào những khu vực rủi ro cao-nơi tham nhũng, bất ổn về chính trị đang lan rộng, đó là các ngân hàng chính sách.

Cựu đại sứ Mỹ tại Namibia, ông George Ward, cho hay, các quan chức chính phủ và các tổ chức tài chính Trung Quốc đã cung cấp vốn vay cũng như những hỗ trợ khác cho các chính phủ châu Phi, phục vụ các mục đích phát triển.

Các chính phủ ở châu Phi cũng "thường thuê các công ty Trung Quốc thi công các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn".

Dẫu vậy, việc nối lại các mối quan hệ với châu Phi đã có những tác động tích cực về chính trị đối với Moscow.

Khi các thành viên Đại hội đồng LHQ - 1/3 trong số đó là các quốc gia châu Phi, bỏ phiếu áp đảo, lên án sự can thiệp của Nga vào Ukraine, thì 2 trong số 10 nước ủng hộ Nga là châu Phi, còn lại, đa số các quốc gia khác cùng châu lục bỏ phiếu trắng.

Theo nhà báo người Kenya, trong thời điểm mà đầu tư của Nga tại châu Phi vẫn tiếp tục và còn tăng lên, các dự đoán của ông Putin tại Hội nghị An ninh Munich 2007 có thể trở thành hiện thực.

Đó là, những ngày thống trị toàn cầu của Mỹ đang kết thúc, và Nga, một lần nữa lại có cách để đi đầu trong các vấn đề quốc tế mà điểm bắt đầu là ở châu Phi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại