Trong tháng Ba, Giám đốc điều hành Rosneft, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Nga, ông Igor Sechin đã có chuyến thăm tới châu Á. Ông đã đi qua Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Trong ngày 22/3, ông đã dừng lại ở Việt Nam. Trước đó không lâu, hai trong sáu chiếc tàu ngầm do Việt Nam đặt hàng Nga đã cập cảng Cam Ranh – nơi có nhiều dấu ấn lịch sử trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước trong những năm 1979 – 2002.
Ngày 16/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tới thăm Hà Nội. Ông gặp gỡ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Trong chuyến thăm, hai bên đã cam kết sẽ tăng cường hợp tác song phương về năng lượng, quốc phòng, an ninh và các vấn đề khác.
Theo The Economist bình luận, mục đích của chuyến thăm nhằm chuyển tải thông điệp của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin rằng Việt Nam vẫn là một đối tác chiến lược quan trọng, là một người bạn không thể quên mỗi khi đi qua khu vực châu Á.
Nga và Việt Nam có mối quan hệ giao thương công nghệ quốc phòng mật thiết. Năm ngoái, Việt Nam đã mua các gói thiết bị quân sự từ Nga trị giá đến 714 triệu USD. Sau chương trình hợp tác này, Việt Nam trở thành nước đứng thứ năm trong danh sách nhập khẩu nhiều thiết bị quân sự nhất từ Nga, theo báo cáo của công ty HIS Jane có trụ sở tại London. Theo đại diện của công ty này, ông Paul Burton ước tính số thiết bị quân sự của Nga chiếm khoảng 90% số vũ khí mà Việt Nam đã mua kể từ năm 2002.
Về năng lượng, vào năm 2024, công ty Rosatom của Nga đang có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Song song với đó là hãng dầu khổng lồ Gazprom cũng đang tìm kiếm các nguồn khí ở Biển Đông. Việt Nam có lẽ không thể đủ khả năng trả tiền cho mọi hợp đồng vũ khí nên có thể việc mua bán sẽ được trợ giúp một phần từ nguồn thu các hợp đồng liên doanh khai thác dầu khí.
Lợi ích địa chiến lược của Nga tại Việt Nam hiện có phạm vi nhỏ hơn Liên Xô của thời chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, theo nguyên tắc, Nga cũng không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Ông Bill Hayton, một tác giả chuyên nghiên cứu về chính trị đại dương, cho biết Nga có lợi ích lớn cả Trung Quốc lẫn Mỹ. Điều đó sẽ khiến cho mọi tuyên bố lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào ở Biển Đông, đối với Nga đều có thể khiến những rủi ro đi quá xa tầm kiểm soát.
Tuy vậy, dù Nga không có vai vế lớn trong kiến trúc an ninh khu vực Đông Nam Á thì họ cũng không hoàn toàn “làm lơ” về việc này. Việc tăng cường bán vũ khí cho Việt Nam giống như lắp thêm một cánh tay lực lưỡng ngăn cản những tranh chấp lãnh thổ với nước láng giềng Trung Quốc. Một số các lô dầu mà Việt Nam và Nga cùng khai thác đều nằm trong cái gọi là “đường chín đoạn” – yêu sách đối với toàn bộ vùng Biển Đông của Trung Quốc.
Tất cả những điều này đã khiến Trung Quốc tỏ ra khó chịu. Hiện Trung Quốc đang là nước giúp Nga ngăn chặn những thách thức đến từ Mỹ tại các cuộc họp thường xuyên của Liên Hợp Quốc. Tổng thống Putin dự định sẽ thăm Trung Quốc vào tháng tới, với hy vọng đạt được một thỏa thuận cung cấp khí đốt cho đất nước châu Á này trong 30 năm tới.
Stephen Blank, thành viên Hội đồng Chính sách đối ngoại Mỹ, nhận định rằng Nga quan tâm nhiều hơn đến vùng Đông Bắc so với vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, những giao dịch năng lượng và quân sự với Việt Nam kể từ năm 2008 đã thể hiện một nỗ lực khẳng định Việt Nam là một đất nước vững mạnh và độc lập ở châu Á.
Nga đã nói về một thỏa thuận tự do thương mại sẽ liên kết giữa họ với Belarus và Kazakhstan, ở Đông Âu và Trung Á, cùng với Việt Nam, nơi cách xa biên giới phía đông của họ. Nga cũng nâng cấp quan hệ đối tác an ninh hiện tại của mình với Việt Nam vào năm 2012 lên mức toàn diện. Theo đó, những giao dịch năng lượng sẽ được đẩy mạnh hơn và các chương trình hợp tác chiến lược về đường ống dẫn dầu sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Theo ý của ông Hayton, Việt Nam là quốc gia rất "linh hoạt và tự do" trong việc xác định đối tác nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ đối tác toàn diện với 11 quốc gia. Phương châm ngoại giao của Việt Nam là làm bạn với mọi quốc gia trên thế giới. Chính vì thế, mặc dù Nga đã tuyên bố sẽ "quay trở lại quân cảng Cam Ranh" nhưng Việt Nam cũng tuyên bố tàu chiến của mọi quốc gia khác đều vẫn có khả năng ghé cảng này, nếu cần thiết.