Chính quyền Kiev luôn cho rằng thời gian ngừng bắn hiện nay sẽ giúp lực lượng dân quân ly khai miền Đông gia tăng sức mạnh quân sự, nên hỏi xin NATO vũ khí sát thương để "tự vệ".
Đáp lại, dù hứa sẽ bảo vệ chính quyền Kiev trước lực lượng dân quân ly khai miền Đông Ukraine, nhưng người đứng đầu của NATO lại kiên quyết lạnh nhạt không cho Ukraine vũ khí.
"NATO không cung cấp hay tạo nguồn cung vũ khí", Stoltenberg nói với Reuters trước cuộc họp với Tổng thống Petro Oleksiyovych Poroshenko.
Ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh tính chất biểu tượng của chuyến thăm lần này của ông, lần đầu tiên sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3 năm ngoái.
"Trọng tâm chính hiện nay là việc thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận Minsk", ông Stoltenberg nói thêm về mục đích hiện tại của NATO là duy trì nền hòa bình tại Ukraine như hiện nay, và hối thúc hai phe tuân thủ thỏa thuận hòa bình Minsk để giải quyết sớm cuộc khủng hoảng Ukraine.
Sự bùng nổ cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine, với việc phương Tây đổ lỗi cho Nga hỗ trợ và trang bị vũ khí cho Ukraine, dù Moscow một mực phủ nhận thông tin trên đã khiến quan hệ giữa Nga và NATO trở nên xấu nhất kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc.
Trước khi ông Stoltenberg tới Ukraine, nước này vừa mới thông qua học thuyết quân sự mới, đầy sự kích động khi xác định Nga là kẻ thù xâm lược Ukriane.
Nhưng học thuyết này nhanh chóng bị chính quyền Kiev hủy bỏ, được cho là vì áp lực từ phía NATO đối với Ukraine.
Tiền đồn của phương Tây
Tổng thống Poroshenko và những người của ông, phải chấp nhận thực tế là Ukraine không phải là thành viên NATO và tổ chức này sẽ không trực tiếp viện trợ cho Kiev.
Nhưng ông lại tự miêu tả đất nước của ông là một tiền đồn của phương Tây chống lại mối đe dọa từ nước Nga.
"Dù chúng tôi không là đồng minh, nhưng thực tế chúng tôi còn có quan hệ tốt hơn nhiều so với các đối tác khác. Ukraine là tiền đồn cực đông của khu vực Euro - Đại Tây Dương", ông Poroshenko nói.
Thủ tướng Arseny Yatseniuk, ngồi kế bên ông Stoltenberg trong cuộc họp Hội đồng An ninh tại Kiev còn "lớn tiếng" hơn, khi nói rằng nước ông đang phải chiến đấu "chống lại Nga".
"Khả năng quốc phòng là rất cần thiết cho chúng tôi, khi chúng tôi phải đối đầu với một quốc gia hạt nhân đã chi hàng chục tỉ USD vào công cuộc hiện đại hóa quân đội của họ", ông Yatseniuk nói.
Dù lãnh đạo Ukraine luôn quyết tâm để gia nhập vào NATO, nhưng khối quân sự này cho biết điều đó khó có thể xảy ra vì họ "không dại" gì mà kích động Nga.