Nhưng phải đổ công sức làm video phản tuyên truyền chống lại lực lượng IS quả là một minh chứng cho thấy tổ chức này không đơn giản chỉ biết chặt chém như người ta vẫn tưởng.
Hình ảnh chống hình ảnh
Theo International Business Times, trong một thông báo gửi qua email cho giới truyền thông tối 4-9, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã cho lan truyền qua các mạng xã hội một video có tựa đề “Chào mừng đến với vùng đất của ISIS (tức IS)”.
Đây là sản phẩm của Trung tâm chiến lược truyền thông chống khủng bố (CSCC) của Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm chỉ ra những sai trái, giả dối của IS thông qua cách so sánh đối chiếu các hình ảnh tuyên truyền của bên IS và hình ảnh thực tế.
Video cho thấy hình ảnh đồ họa của các nhóm chiến binh tàn bạo được công bố rộng rãi bởi các phương tiện truyền thông trong hai tháng qua và hiện đang bị Liên Hiệp Quốc điều tra.
Bản tiếng Anh và tiếng Ả Rập của video lần lượt được công bố vào ngày 23 và 25-7 vừa qua. Hình ảnh trong video được lấy từ các đoạn phim tuyên truyền của IS, từ các tin tức hình ảnh thời sự phát đi từ Iraq và từ loạt phim tài liệu về IS từ trang Vice Media.
Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, video có ý nghĩa giáo dục. Ông này giải thích: “CSCC sử dụng clip ngắn này để gửi thông điệp qua nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhằm đối chiếu cách nhìn trên lý thuyết và thực tế của IS”.
Còn thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định đoạn video “là minh chứng cho sự đạo đức giả của một tổ chức tự xưng là bảo vệ người Hồi giáo nhưng lại đi giết người Hồi giáo, phá hủy di sản văn hóa và làm suy giảm sức mạnh kinh tế của họ”.
Cho đến nay video đã thu hút được khoảng 43.000 lượt xem bản tiếng Ả Rập và 3.000 lượt bản tiếng Anh.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA vào tháng 3-2014, ông Alberto Fernandez, người điều hành CSCC, cho biết “sự nổi lên của mạng Internet là một lợi ích cho những kẻ cực đoan”.
Gậy ông đập lưng ông
Thế nhưng trong suốt chín tháng qua, khi IS xưng hùng xưng bá, chiếm cứ cả một vùng rộng lớn với danh xưng hẳn hoi “nhà nước”, gần đây nhiều chuyên gia mới giật mình nhận thấy rằng các thành viên của IS đã biết khai thác quá tốt sức ảnh hưởng của mạng xã hội và Internet - những sản phẩm đặc thù Âu - Mỹ.
Việc IS công bố liên tục hai video cắt đầu nhà báo Mỹ thông qua YouTube đã cho thấy nhóm chiến binh này chuẩn bị rất công phu.
Người ta thậm chí còn phân tích thấy rằng nhóm này đã quay phim chất lượng tốt, biết dàn dựng, biết sử dụng các biểu mẫu của Hồi giáo để nâng cao uy tín và kích thích sự háo hức của những người trẻ muốn tham gia tổ chức này.
Hôm 4-9, đáng buồn thay, FBI của Mỹ còn cho biết chuyên gia tư vấn truyền thông xã hội của IS là một người Mỹ 33 tuổi từng sống ở Boston. Theo báo cáo, Ahmad Abousamra sinh ra ở Pháp nhưng lớn lên ở Massachusetts (Mỹ).
Abousamra học chuyên ngành công nghệ máy tính trước khi làm việc cho một công ty viễn thông. Vào năm 2004, Abousamra trốn sang Iraq để làm việc trong lĩnh vực truyền thông cho Al Qaeda. Theo Boston Herald, FBI cho biết ông ta “tỏ ra muốn giết binh sĩ Mỹ”.
Hiện tại Abousamra đang lẩn trốn ở Syria và quản lý các tài khoản Twitter cho IS. FBI đã treo thưởng 50.000 USD để bắt được Abousamra và người đứng đầu văn phòng FBI ở Boston cho biết không khó khăn để xác định Abousamra vì giọng nói khác thường của y “the thé có thể phân biệt với những người khác”.
Cũng trong ngày 4-9, nhóm khủng bố IS đã đăng tải bức ảnh một đứa bé sơ sinh nằm trên lá cờ IS. Đứa bé, khoảng dưới 6 tháng tuổi, được đặt bên cạnh khẩu tiểu liên Kalashnikov, một khẩu súng lục và lựu đạn.
Hình ảnh này đã được đăng trên Twitter dưới hashtag #IS. Em bé này được cho là thành viên nhỏ nhất được nhóm chiến binh sử dụng như một phần của chiến dịch truyền thông xã hội, làm tăng lo ngại IS đang đào tạo trẻ em để biến thành các chiến binh.
IS đã tuyển chọn trẻ em tham gia thánh chiến bằng cách cho đồ chơi, sau đó tẩy não và gửi đến các trại huấn luyện cho đến khi đạt đến tuổi thiếu niên đủ sức cầm súng.
Không thể tưởng tượng phong trào thánh chiến lan rộng mà không có Internet. Chỉ có thể chống lại IS trên Internet, và cho mọi người thấy rằng tổ chức này đã giết người Hồi giáo YIGAL CARMON
(chủ tịch Viện Nghiên cứu truyền thông Trung Đông - MEMRI)