“Mỹ đã thất hứa thì làm sao tin được Nga?”
The Daily Beast mới đây dẫn lời 2 quan chức Mỹ giấu tên cho hay, họ đã nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên cho thấy Nga tiếp cận với thủ lĩnh các bộ tộc người Sunni ở Iraq, nhằm thúc đẩy các nỗ lực chống IS của các bộ lạc thiểu số trong cộng đồng người Sunni.
Một phần trong cuộc "tấn công quyến rũ" này là đề nghị mới đây của Kremlin về việc hỗ trợ vũ khí cho các bộ tộc người Sunni với tốc độ nhanh hơn nhiều so với Mỹ, và làm việc này hoàn toàn không cần thông qua chính quyền trung ương người Shitte.
The Daily Beast nhận định, Kremlin đang buộc phải cố gắng giành được sự ủng hộ từ các bộ tộc người Sunni - vốn từ lâu đã được các nhà phân tích và quan chức trong khu vực cho là một điều kiện không thể thiếu với bất cứ chiến dịch chống IS nào.
Đại sứ quán Nga tại Baghdad được cho là đang hợp tác với Cơ quan An ninh Quốc gia Iraq, Hashd al-Shaabi (phong trào chống IS của người Shitte, được chính phủ Iraq ủng hộ) và Hội đồng Hòa giải Quốc gia Iraq để thực hiện chiến dịch “tấn công quyến rũ này”.
"Nga luôn tiếp cận và đưa ra những lời mời chào thông qua một tổ chức của nhà nước Iraq", ông Mark Alsalih, chuyên gia vận động hành lang người Sunni tại Washignton nhận định.
Một số lượng nhỏ các thành viên bộ tộc người Sunni đã phối hợp với lực lượng ủng hộ Iraq, chuẩn bị tiến hành chiến dịch giải phóng Ramadi - hiện đang nằm trong tầm kiểm soát của IS.
Điều đó, theo Daily Beast, cho thấy Moscow đã rất tích cực trong việc lôi kéo bộ tộc Anbari.
Tuy nhiên, theo 2 quan chức Mỹ nói trên, những nỗ lực "lấy lòng" của Nga ở Iraq vẫn chưa đạt kết quả. "Nó vẫn đang ở giai đoạn lôi kéo".
Hai người này cũng không loại trừ khả năng đây là một trong những bước đi mà Tổng thống Putin đang tiến hành để làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông.
Giới chức Mỹ tin rằng, chưa có bộ tộc lớn nào của người Sunni chào đón đề nghị hợp tác với Kremlin.
Một vài trong số đó thậm chí tỏ ra rất thận trọng.
"Nga nói về việc trang bị vũ khí cho các bộ tộc người Sunni, nhưng điều này mới được thảo luận trên các phương tiện truyền thông, nhằm thể hiện rằng họ nghiêm túc trong việc chống khủng bố", ông Na’im al-Ka’ud, thủ lĩnh bộ tộc có tầm ảnh hưởng lớn Albu Nimr nói.
"Lời hứa của họ giống như những gì Mỹ đã nói trước đây. Các bộ tộc ở Anbar đã chiến đấu chống IS suốt 2 năm. Mỹ và các quốc gia Ả Rập đã hứa, nhưng họ chẳng làm gì cả. Vậy bằng cách nào mà chúng tôi có thể tin Nga?".
Những người ủng hộ cuộc chiến của liên minh do Mỹ đứng đầu chống IS thì cho rằng, Mỹ đã mang tới nguồn tài nguyên mà không một quốc gia nào có thể - hàng trăm triệu USD viện trợ nhân đạo và một chiến dịch không kích quy mô lớn.
Các quan chức Mỹ cũng cảnh báo, Baghdad và người Sunni nên"nhìn xa" trước khi đi tới một thỏa thuận bất kỳ với Moscow.
“Nga trung thực hơn Mỹ”
Trong suốt nhiều tháng qua, đã xuất hiện nhiều lời đồn đoán quanh khả năng Nga can thiệp quân sự trực tiếp vào Iraq, tương tự như những gì nước này đã làm tại Syria hồi cuối tháng Chín.
Về phần mình, Nga luôn khẳng định sẽ không đưa quân tới Iraq chừng nào Baghdad chưa đề nghị.
The Daily Beast thì nhận định Iraq là một trường hợp khác so với Syria. Iraq đã huấn luyện và trang bị vũ khí cho quân đội và cảnh sát nước này, song vẫn duy trì sự trung thành, ít nhất là ở bề nổi, với Washington.
Trong khi đó, một số quan chức Iraq dường như tin rằng Nga trung thực hơn Mỹ, và trên thực tế, Nga đang phối hợp khá chặt chẽ với chính phủ nước này.
Phát ngôn viên chính phủ Iraq Sa’ad al-Hadithi cho biết thêm:
"Iraq muốn thiết lập các mối quan hệ cân bằng với tất cả các quốc gia trên thế giới và tận dựng mọi hình thức hỗ trợ từ bất cứ quốc gia hay khu vực trên thế giới trong cuộc chiến chống khủng bố và những thách thức mà Iraq phải đối mặt trong cuộc chiến hiện tại với IS.
Chúng tôi đang hợp tác với Nga - như là với các nước khác trong 2 lĩnh vực. Đầu tiên là vũ khí - chúng tôi có hợp đồng với Nga.
Họ gửi các lô vũ khí, đạn dược, vật tư quân sự khá thường xuyên. Lĩnh vực thứ hai theo thỏa thuận là trao đổi thông tin tình báo với Bộ Tứ (gồm Nga, Iran, Iraq, Syria)".
Mặc dù dấu ấn của Nga không đặc biệt rõ ràng tại Vùng Xanh - khu vực tập trung các cơ quan chính phủ của Iraq được canh phòng nghiêm ngặt ở thủ đô Baghdad.
Dù thế, theo các nguồn tin tại Baghdad cho biết, các quan chức tình báo, ngoại giao và quân đội nga đã hiện diện tại 3 cơ quan rất quan trọng đối với an ninh Iraq.
Ba cơ quan đó còn có sự tham gia của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, đảm nhiệm vai trò trang bị vũ khí, đào tạo cho Hashd al-Shaabi.
Thứ nhất là Khu Khuld, nơi tình báo Iraq chia sẻ thông tin với các đối tác Nga, đặc biệt là các thông tin liên quan tới các thủ lĩnh cấp cao và chỉ huy của IS. Vị trí thứ hai là tại Trung tâm Thông tin Quốc gia, nơi có một thiếu tướng Nga túc trực.
Nga còn có các đại diện tại trụ sở của Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng Iraq, trung tâm đầu não cho mọi hoạt động an ninh quốc gia nước này.
Ông Hakim al-Zamili, chủ huy nhóm dân quân Saraya al-Salam thuộc Hashd al-Shaabi còn cho biết, Nga thậm chí đã gửi "vũ khí hạng nhẹ và đạn dược miễn phi" tới Iraq để trao đổi thông tin tình báo.
Ông này khẳng định: "Iran, Nga và Iraq hợp tác chặt chẽ".