Theo đó, những cái tên lọt vào bản danh sách đen là những kẻ gây quỹ và tuyển lính cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Syria, Iraq, Afghanistan và Yemen.
Nỗ lực vận động trừng phạt này của Pháp, Na Uy, Saudi Arabia, Kuwait và Senegal, trùng thời điểm có thể HĐBA thông qua một nghị quyết trấn áp các tay súng cực đoan vào ngày mai 24/9. Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chủ trì cuộc họp này.
Reuters có được văn bản mật những đề xuất trên để trình tiểu ban trừng phạt Al-Qaeda của HĐBA hôm 22/9. Dự kiến hôm nay 23/9, sẽ có 15 cái tên bị đưa vào danh sách đen nếu không có sự phản đối nào.
Danh sách này cũng có thể hoãn công bố vì lý do hành chính, nếu một thành viên cần có thêm thời gian xem xét.
Quyết định của HĐBA trùng việc ông Obama kêu gọi lập liên quân quốc tế để đánh quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) vốn đã chiếm được nhiều đất ở Iraq và Syria, tuyên bố lập một nước Hồi giáo ở giữa Trung Đông và kêu gọi người ủng hộ tấn công các công dân ở nhiều nước.
Trong số cá nhân có thể bị LHQ cấm vận-gồm cấm đi đến khắp thế giới, niêm phong tài sản và cấm mua bán vũ khí-có Abd al-Rahman Muhammad Mustafa al-Qaduli, một thủ lĩnh IS người Iraq ở Syria và từng là phó của Abu Musab al-Zarqawi, thủ lĩnh Al-Qeada ở Iraq.
Tổng cộng Mỹ muốn cấm vận 11 cái tên, Pháp có 4 cái tên. Có một người Na Uy tên Anders Cameroon Ostensvig Dale, bị mô tả là thành viên Al-Qaeda ở bán đảo Arab (AQAP), đã nhiều lần đến Yemen để học làm đai đeo bom, thiết bị chất nổ và đánh bom xe tự sát.
Danh sách của Mỹ nêu Dale có thể đến nhiều nước và có thể được AQAP sai tiến hành một cuộc tấn công ở các nước này.
Mỹ còn đề nghị đưa vào danh sách đen hai nhóm Lữ đoàn Abdallah Azzam ở Trung Đông và Ansar al-Sharia ở Tunisia, về tội liên kết với Al-Qaeda.
Pháp có 4 cái tên là Emilie Konig, một phụ nữ Pháp đến Syria năm 2012 để đánh cho IS. Kevin Guiavarch và Salma Oueslati là một cặp vợ chồng Pháp đến Syria năm 2012, nơi Guiavarch đánh cho Mặt trận Nusra. Cặp này còn có những người ủng hộ muốn rời Pháp qua Syria để tham gia các nhóm khủng bố.
Oumar Diaby, là một thủ lĩnh Senegal của một nhóm vũ trang có 80 thành viên ở Syria và liên kết với Mặt trận Nusra.
Các nhà ngoại giao nói HĐBA đã đồng ý với dự thảo nghị quyết của Mỹ, dự kiến chính thức thông qua ngày 24/9, nhằm ngăn chặn, trấn áp công tác tổ chức, tuyển chọn, vận chuyển hoặc trang bị cho thành viên qua nước khác để lên kế hoạch, chuẩn bị hoặc tham gia vào các cuộc tấn công cực đoan.
Nội dung bản dự thảo nghị quyết nêu tất cả các nước phải củng cố luật nội địa để xử tội hình sự nghiêm trọng đủ nghiêm, nhằm có thể truy tố và trừng phạt những kẻ vi phạm.
Dự thảo nhìn chung nhắm vào những tay súng cực đoan nước ngoài đến các vùng xung đột trên thế giới, chủ yếu là do sự nổi dậy của IS và Mặt trận Nusra ở Syria và Iraq.