Một thị trấn nhỏ nắm giữ tương lai vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria

Ngọc Minh |

Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường không kích lực lượng người Kurd ở Syria tại khu vực biên giới phía bắc Syria, bất chấp những chỉ trích từ Nga lẫn đồng minh.

Mỹ, Pháp và EU đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng bắn, trong khi đó, Hội đồng Bảo An LHQ yêu cầu nước này "tuân thủ luật pháp quốc tế".

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên quyết chiến dịch của mình.

Đầu tuần Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố, các cuộc tấn công của nước này đã thành công trong việc đẩy lùi bước tiến của dân quân người Kurd YPG ở Azaz, đồng thời thề "trả thù không khoan nhượng" nếu lực lượng này còn tiến vào đây lần nữa.

Davutoglu tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không để mất Azaz... cả thế giới nên biết điều đó".

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ cần một thị trấn nhỏ của Syria?

Nhà nghiên cứu Can Acun từ tổ chức tư vấn chính sách thân Thổ Nhĩ Kỳ SETA khẳng định: "Azaz và khu vực lân cận rất quan trọng đối với an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và tương lai cuộc chiến ở Syria".

"Khu vực này nằm trên hành lang trải dài từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tới thành phố Aleppo. Vì vậy, Azaz có tầm quan trọng chiến lược, khi mà viện trợ nhân đạo đi qua khu vực này và lực lượng nổi dậy thì tìm cách kiểm soát nơi đây".

Theo BBC, tuyến đường tiếp tế đến Aleppo đã bị cắt đứt từ ngày 3/2, sau các cuộc tấn công của quân đội chính phủ nhằm phá vòng vây của nổi dậy tại 2 thành phố phía nam Azaz.

Sau thắng lợi này, quân đội của Assad và đồng minh tiếp tục tiến về phía bắc tới gần biên giới, còn YPG tận dụng tình hình, từ khu vực do mình kiểm soát quanh Afrin tiến về phía tây, chiếm căn cứ không quân Menagh và thị trấn Tal Rifaat từ tay nổi dậy.

Theo nhà báo Cengiz Candar, với Ankara, việc người Kurd ở Syria dần mở rộng lãnh thổ về phía biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ là một mối đe dọa về an ninh.

Hiện nay, lực lượng người Kurd đang kiểm soát hầu hết tất cả khu vực giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ còn “chừa lại” một khu vực 100 km kéo dài từ Azaz tới thị trấn Jarablus do IS kiểm soát.

"Với Thổ Nhĩ Kỳ, Azaz là một biểu tượng", nhà phân tích Fabrice Balanche từ Viện Chính sách Cận Đông ở Washington nhận định.

"Nếu người Kurd giành được Azaz, họ có thể nối liền 2 vùng đất của mình là Kobane và Afrin. Thủ tướng Davutoglu lo ngại rằng, nếu người Kurd chiến Azaz, họ có thể bắt đầu một cuộc tấn công lớn từ Kobane hướng về phía tây và từ Afrin hướng về phía đông".

Tuy nhiên, ông Candar tin rằng, YPG thậm chí có thể nối liền 2 vùng đất của mình thành một dải mà không cần có Azaz - điều mà Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ mong muốn xảy ra.


Dân quân người Kurd là một đồng minh quan trọng của Mỹ trong chiến dịch chống IS ở Syria, nhưng lại bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là kẻ thù.

Dân quân người Kurd là một đồng minh quan trọng của Mỹ trong chiến dịch chống IS ở Syria, nhưng lại bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là kẻ thù.

Thêm vào đó, cơ cấu dân cư của Azaz cũng rất quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ, bởi ngoài người Kurd và người Ả Rập, thì nơi đây còn có người dân tộc Turkmen sinh sống.

Chính vì vậy, theo học giả Balanche, sự ủng hộ từ bên trong Thổ Nhĩ Kỳ cho các nhóm nổi dậy như Turkmen ở Syria cũng khiến Azaz đóng vai trò then chốt.

"Nếu người Kurd có được Azaz, các nhóm nổi dậy sẽ không còn nơi nào để tiến vào Syria. Đó là chiến lược của Nga. Rất đơn giản - để người Kurd kiểm soát khu vực biên giới và chặn Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận Aleppo".

Chỉ mới đây thôi, theo báo Thổ Nhĩ Kỳ Sabah, khoảng 500 phiến quân từ tỉnh Idlib vẫn còn sử dụng con đường đi qua Thổ Nhĩ Kỳ để tới Azaz chỉ trong vòng vài ngày.

Thổ có dám đơn phương tham chiến ở Syria vì Azaz?

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz mới đây đã nói rõ rằng, họ không có kế hoạch điều bộ binh tới Syria.

Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cũng cho BBC biết, Thổ Nhĩ Kỳ không định hành động đơn phương ở Syria, trừ khi có những thay đổi lớn trên mặt đất. Thay vào đó, Ankara vẫn cố gắng tìm “cộng sự”, thuyết phục liên minh do Mỹ đứng đầu điều quân tới.

Chuyên gia an ninh quốc tế người Nga
Stanislav Ivanov
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ (đơn phương) vượt qua biên giới, hành động đó sẽ là bất hợp pháp. Ankara sẽ phải giải thích hành động của mình không chỉ với Damascus và Moscow mà còn với cả Washington và Brussels. Một hành động như vậy, nếu không có sự ủng hộ của Hội đồng An ninh Mỹ hoặc NATO, thì sẽ là thảm họa.

"Tôi nghĩ rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh thực sự quyết tâm, họ có thể thuyết phục Mỹ thay đổi quan điểm của mình", ông Acun nhận định.

"Một bước đi như vậy có thể giúp thiết lập một vùng an toàn (cho người vô gia cư Syria) và nhận được sự ủng hộ từ EU - vốn đang phải đối mặt với khủng hoảng di cư khiến khu vực này choáng ngợp và chưa tìm ra cách giải quyết".

Dù vậy, theo nhà phân tích Balanche, thực tế là hiện nay, Washington sẽ không hứng thú với việc bị kéo hơn vào khủng hoảng ở Syria, còn cuộc chiến ủy nhiệm thì sẽ vẫn tiếp tục diễn ra.

"Mỹ muốn giữ người Kurd ở bên cạnh. Nhưng Washington biết Ankara sẽ tiếp tục pháo kích, và rồi sau đó người Kurd sẽ về chạy sang với Moscow.

Vì thế, Mỹ cần để Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd đàm phán. Song đây là điều khó khăn, bởi ở thời điểm này - năm bầu cử - Mỹ đang ở thế yếu".

Ông này gợi ý: “Người Kurd có thể sẽ chờ đợi một nội các mới ở Mỹ vào năm sau - những người có thể tham dự sâu hơn vào Syria và mạnh mẽ hơn với Nga. Có thể, họ đang mơ về một Ronald Reegan mới, người sẽ nói: "Mỹ đã trở lại"”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại