Michael Bloomberg - Chất xúc tác mới cho bầu cử Tổng thống Mỹ?

Đức Dũng |

Tỷ phú Michael Bloomberg, người sáng lập ra hãng thông tấn Bloomberg, đồng thời là cựu Thị trưởng New York đang xem xét khả năng sẽ tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ với tư cách ứng cử viên độc lập.

Nếu như quyết định này được thực hiện, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hứa hẹn sẽ trở nên hết sức gay cấn và nhiều bất ngờ.

Theo các thông tin do kênh truyền hình CNN đăng tải dựa trên nguồn thông tin do những cộng sự thân tín của ông Bloomberg cung cấp, trong tháng 12/2015, tỷ phú Bloomberg đã đặt hàng một tổ chức để tiến hành các cuộc thăm dò dư luận xã hội về triển vọng của mình nếu như quyết định tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ.

Động lực để ông Bloomberg thực hiện bước đi này chính là những thành công không ngờ tới của một tỷ phú khác là ông Donald Trump.

Trái với dự đoán của hầu hết các chuyên gia phân tích chính trị, ông Donald Trump vẫn liên tục giành được sự ủng hộ của cử tri Mỹ và hiện đang nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Trong khi đó, cho dù vướng vào một loạt bê bối nhưng việc bà H.Clinton sẽ trở thành đại diện của đảng Dân chủ tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ hầu như đã được định đoạt.

Theo các cuộc thăm dò dư luận xã hội do 3 tổ chức độc lập tiến hành, hiện đối thủ cạnh tranh của bà H.Clinton là Bernie Sanders vẫn kém bà Clinton khoảng 20% số cử tri ủng hộ.

Theo kế hoạch, ông Bloomberg dự định sẽ thu hút sự ủng hộ của các cử tri đang không hài lòng với ông Trump và bà Clinton vì hiện số lượng này khá đông.

Theo kết quả của cuộc thăm dò dư luận xã hội được Gallup Organization thực hiện vào tháng 11/2015, bà Clinton hiện mới chỉ có thể nhận được sự ủng hộ của 49% cử tri Mỹ và ông Donlad Trump nhận được sự ủng hộ của khoảng 56% cử tri.

Tuy nhiên, hiện có đến 36% cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa và 77% cử tri ủng hộ đảng Dân chủ đang kịch liệt phản đối Trump.

Như vậy, xét về mặt lý thuyết, ứng cử viên thuộc “lực lượng thứ ba” có thể sẽ thu hút được sự ủng hộ của cử tri, qua đó làm đảo lộn các khả năng đối với 2 ứng cử viên chính (thuộc đảng Dân chủ và Cộng hòa) khi tranh cử Tổng thống Mỹ.

Lịch sử Mỹ đã ghi nhận không ít trường hợp một ứng cử viên nào đó bỗng chốc nhận được sự ủng hộ của khá đông cử tri.

Điển hình là việc ứng cử viên Theodore Roosevelt (không phải Franklin Roosevelt) đã giành chiến thắng trong cuộc đua nội bộ đảng Cộng hòa để tranh cử Tổng thống Mỹ năm 1912 nhưng đảng này lại ấn định William Taft làm đại diện tham gia tranh cử.

Khi đó, ông Roosevelt liền đứng ra thành lập đảng “Tiến bộ” và tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ. Kết quả là Roosevelt giành được 27% số phiếu bầu, Taft bị tụt xuống thứ ba và chiến thắng thuộc về ứng cử viên Woodrow Wilson với chỉ 49% số phiếu bầu.

Trong cuộc bầu cử năm 1992, ứng cử viên độc lập Ross Perot đã giành được 19% số phiếu bầu và thành công này của ông Ross Perot là một trong nhiều nguyên nhân khiến ông George W.Bush (Bush cha) thất bại.


Ứng cử viên tiềm năng cho chức Tổng thống Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa, Donald Trump

Ứng cử viên tiềm năng cho chức Tổng thống Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa, Donald Trump

Tuy nhiên đối với trường hợp Bloomberg, không rõ khả năng tỷ phú này sẽ thu hút được lượng cử tri đang ủng hộ đảng Cộng hòa hay Dân chủ. Xét về độ tuổi, ông Bloomberg sinh năm 1942, hơn bà Clinton 5 tuổi và ông Trump 4 tuổi.

Những thành công trong lĩnh vực tài chính giúp Bloomberg có tiền để thành lập hãng thông tấn của riêng mình và chính hãng thông tấn này đã đem lại cho tỷ phú Bloomberg nhiều khoản lợi nhuận khổng lồ.

Hiện tỷ phú này vẫn nắm giữ tới 88% cổ phần trong hãng thông tấn Bloomberg.

Trước năm 2001, Bloomberg từng là đảng viên đảng Dân chủ nhưng lại quyết định chuyển sang đảng Cộng hòa để ra tranh cử chức vụ Thị trưởng New York.

Dưới sự ủng hộ của cựu Thị trưởng New York Rudolph Giulian cùng 73 triệu USD chi cho chiến dịch vận động tranh cử, Bloomberg đã giành chiến thắng và trở thành Thị trưởng mới của New York.

Bloomberg tái đắc cử Thị trưởng New York năm 2005, 2009. Đến năm 2014, Bloomberg không tham gia tranh cử và chức Thị trưởng New York thuộc về Bill de Blasio thuộc đảng Dân chủ.

Trong năm 2007, tỷ phú Bloomberg cũng đã xem xét khả năng sẽ tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ với tư cách ứng cử viên “thứ ba”, đồng thời thuê tổ chức tiến hành thăm dò dư luận xã hội (như hiện nay) nhưng cuối cùng lại quyết định không tham gia tranh cử.

Có thể trong giai đoạn hiện nay, các chỉ số thăm dò dư luận xã hội cũng sẽ không thúc đẩy tỷ phú từng 3 lần đắc cử chức Thị trưởng New York tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ.

Nhưng nếu điều này xảy ra, cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ diễn biến rất khó lường. Một mặt Bloomberg, cũng giống như ông Trump, là những doanh nhân rất thành công theo mô hình “tự làm cho mình” nên có cái để tự hào.

Rất nhiều người đã khẳng định rằng New York dưới thời Bloomberg đã trở nên hiện đại hơn hẳn so với New York những năm 1980.

Mặt khác, cũng giống như bà Clinton, ông Bloomberg là người theo đuổi tư tưởng tự do đối với vấn đề nhập cư, nạn nạo phá thai và hôn nhân đồng giới, cũng như chia sẻ quan đểm của đảng Dân chủ về sự cần thiết phải ban hành lệnh kiểm soát súng đạn.

Theo nhận định của giới phân tích, nếu như một người có nhiều ảnh hưởng như ông Bloomberg quyết định tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sẽ thực sự đem lại nhiều bất ngờ.

Khác với bà Clinton (thường đưa ra các chỉ trích chống lại Nga) và ông Trump (hay khen ngợi Tổng thống Nga Putin), ông Bloomberg hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận nào có liên quan đến mối quan hệ Nga-Mỹ.

Theo giới phân tích, việc ông Bloomberg quyết định tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ sẽ khiến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trở nên hấp dẫn và nhiều kịch tính hơn nhiều nếu như so sánh với những cuộc bầu cử mà cuộc chạy đua hầu như chỉ diễn ra giữa các ứng cử viên thuộc hai đảng Dân chủ - Cộng hòa.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại