Mẫu điệp viên tự 'lột trần' như Snowden là 'mốt' của thế kỷ 21

Trung Phạm |

(Soha.vn) - Không giống các điệp viên ngầm trong quá khứ, Snowden là sản phẩm của Facebook, Twitter và của truyền hình thực tế, không ngần ngại “lột trần” bản thân ngay cả trước khi hạ cánh xuống sân bay.

Những “con mọt” nguy hiểm

Ở giai đoạn đỉnh cao của thời Chiến tranh Lạnh, khi các điệp viên muốn đào thoát họ thường tìm cách lẻn vào cánh cửa bí mật của một đại sứ quán đối phương với một chiếc cặp chất đầy bí mật quốc gia.

Thế nhưng, Edward Snowden lại là một trường hợp khác. Một tên phản bội? Một kẻ đào tẩu? Hay một nhà hoạt động nhân quyền? Không hẳn như vậy. Theo giới chuyên gia, Snowden đã hoàn toàn thách thức cách phân loại truyền thống một điệp viên phản bội. Sebastien Laurent, nhà nghiên cứu lịch sử gián điệp người Pháp cho rằng, nếu xét về lịch sử tình báo thì Snowden không phải là đại diện điển hình nhưng anh này có thể trở thành mô hình tiêu biểu cho các điệp viên bất mãn trong tương lai.

Kẻ đào tẩu trong thế kỷ 21 không còn là một điệp viên hàng đầu với tập tài liệu mã hóa mà là một “con mọt” máy tính mang theo mình ổ đĩa di động.


	Người biểu tình giương ảnh Edward Snowden trong cuộc tuần hành tại Quảng trường Trocadero trước tháp Eiffel ở Paris ngày 7/7/2013

Người biểu tình giương ảnh Edward Snowden trong cuộc tuần hành tại Quảng trường Trocadero trước tháp Eiffel ở Paris ngày 7/7/2013

“Đó là vấn đề xảy ra với việc tư nhân hóa các dịch vụ an ninh”, Laurent nhận xét với ý muốn đề cập tới xu hướng các cơ quan tình báo Mỹ thuê nhân viên hợp đồng làm việc kiểu như Snowden. “Họ sử dụng những người làm việc trong các cơ quan bí mật và do vậy tưởng là đã rà soát kỹ được lý lịch. Nhưng thực tế, đó lại là điểm yếu lớn. Nếu những người làm hợp đồng này gặp vấn đề cá nhân thì họ lại đã được trang bị vũ khí hủy diệt hàng loạt của thời kỹ thuật số rồi”, Laurent lập luận.

Thực vậy, thay vì của trốn sang một cường quốc đối thủ, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Snowden lại chạy sang Hồng Kông và bàn giao một thanh USB chứa đầy các tài liệu tối mật cho các phóng viên của nhật báo Anh The Guardian.

Sẽ còn nhiều Snowden

James Andrew Lewis, cựu quan chức ngoại giao Mỹ và hiện là chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhận xét: “Trong Chiến tranh Lạnh, phương Tây có hai dạng đào tẩu: những người Mỹ đào thoát vì tiền và những người Anh hành động vì các lý do mang tính ý thức hệ nhiều hơn”.

Nhưng thay vì di chuyển sang Đông hay sang Tây, Snowden lại trở thành một dạng điệp viên toàn cầu vì đã lột trần “thế giới mà ở trong đó tất cả mọi thứ tôi nói hay làm đều được ghi lại bởi các cơ quan bí mật”, Lewis nói thêm. “Anh ấy là sản phẩm của một nền văn hóa chống chính phủ rất tiêu biểu kiểu Mỹ”.


	Snowden sẽ là mẫu điệp viên bất mãn tiêu biểu của Thế kỷ 21

Snowden sẽ là mẫu điệp viên bất mãn tiêu biểu của Thế kỷ 21

Không giống các điệp viên ngầm trong quá khứ, Snowden là sản phẩm của Facebook, Twitter và của truyền hình thực tế, không ngần ngại “lột trần” bản thân ngay cả trước khi hạ cánh xuống sân bay. “Anh ta đã có được những gì mình muốn: một dạng vinh quang”, Lewis nhận xét

Hơn nữa, theo Laurent, sự vụ dạng này có lẽ sẽ không phải là trường hợp cuối cùng nếu xét tới tầm quan trọng của các chuyên gia máy tính, tin tặc và các lập trình viên trong các cơ quan bí mật. “Có thể, sẽ xuất hiện thêm nhiều Snowden khác nữa”, Laurent dự báo.  

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại