Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ hôm 10-9 đã triệu tập cuộc họp về những diễn biến mới ở Syria. Tổng thống Barack Obama kêu gọi giới chức an ninh đưa ra kế sách càng sớm càng tốt.
Trong khi đó, thông tin tình báo cho biết Nga lên kế hoạch thiết lập căn cứ không quân tại TP Latakia - Syria. Nguồn tin từ Washington nói Nga dự định đưa chiến đấu cơ MiG-31 và Su-25 đến Latakia trong những ngày tới.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay các chuyến bay của nước này đến Syria chở theo thiết bị quân sự và hàng viện trợ nhân đạo, đồng thời xác nhận sự hiện diện của binh sĩ Nga tại đây.
Bất kỳ chọn lựa nào của Mỹ lúc này - đối đầu Nga tại Syria hoặc hợp tác với Nga chống IS - chắc chắn cũng gây chia rẽ trong chính trường Washington.
Về chuyện nội bộ chính quyền Mỹ lủng củng, hãng tin Bloomberg tiết lộ một việc “giật gân”: Tổng thống Obama không biết trước chuyện Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu Bulgaria và Hy Lạp không cho phép máy bay vận tải Nga sử dụng không phận để chở hàng đến Syria.
Sau đó, ông Obama tỏ ra không hài lòng vì bộ này không có một kế hoạch hoàn hảo hơn và được xem xét chặt chẽ để xử trí cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó, rạn nứt giữa Al-Qaeda và IS, hai tổ chức đi đầu trong cuộc chiến chống lại phương Tây, ngày càng nới rộng.
Thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahri vừa tuyên bố không công nhận IS và gọi thủ lĩnh nhóm này, Abu Bakr al-Baghdadi, là “kẻ phản loạn”.
Trong đoạn ghi âm công bố trên mạng hôm 9-9, al-Zawahiri, người thay thế Osama bin Laden cách đây 4 năm, nhấn mạnh thủ lĩnh IS “không phải là lãnh đạo của tất cả những người Hồi giáo” dù tự lập ra cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” tại TP Mosul - Iraq 14 tháng trước.
Dù chỉ trích IS nhưng Zawahri lại phát đi tín hiệu về khả năng hợp tác khi khẳng định sẵn sàng cho phép thuộc hạ tham gia cùng IS trong cuộc chiến chống lại liên minh do phương Tây dẫn đầu ở Iraq và Syria.
Hãng tin Reuters nhận định bất kỳ sự hợp tác nào của 2 tổ chức này cũng khiến Trung Đông thêm nguy hiểm. Trong khi Al-Qaeda chuyên thực hiện các vụ đánh bom quy mô lớn thì IS lại có khả năng đánh chiếm lãnh thổ trong quá trình thành lập “Đế chế Hồi giáo”.
Một chiến thuật khác của IS đang khiến giới chức Mỹ lo ngại là chế tạo và sử dụng vũ khí hóa học tại Iraq và Syria.
Một quan chức Mỹ hôm 11-9 cho đài BBC biết Washington đã ghi nhận ít nhất 4 trường hợp IS sử dụng chất mù tạt ở 2 nước này. Chúng sử dụng loại hóa chất này dưới dạng bột, được giấu trong thuốc nổ.
Mỹ cũng tin rằng IS đã thành lập một nhóm chuyên phát triển vũ khí hóa học.