Các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây nhằm vào Nga trong tháng 3/2014 chắc chắn là khốc liệt. Nhưng cho đến nay, chính sách này đã thất bại trong việc làm suy yếu vị thế của Tổng thống Nga Putin.
Trên thực tế, chúng còn có tác dụng ngược, giúp Nga và nhà lãnh đạo của nước này thậm chí trở nên mạnh mẽ hơn trước.
Các nước Liên minh châu Âu (EU) ước tính đã thiệt hại khoảng 100 tỷ USD trong thương mại với Nga, đánh vào các lĩnh vực như những nông trại bơ sữa xứ Bavaria và ngành xuất khẩu ở miền đông nước Đức.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga, vốn tăng trưởng khiêm tốn năm 2014, đã giảm 4,6% trong quý II năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng ruble mất giá hơn một nửa so với giá trị đồng USD trong 6 tháng cuối năm 2014, khiến lạm phát tăng lên 15,6% so với năm ngoái trong tháng 7.
Nhưng lạm phát hiện nay dường như đã kịch trần, và những tác động từ việc suy giảm giá dầu, khí đốt đã được giảm thiểu do đồng USD tăng giá, vì vậy dự trữ ngoại hối của Nga đã tăng đều đặn, đạt 362 tỷ USD trong tháng 6/2015 (13% trong số đó là vàng).
Và bất chấp chính sách thắt lưng buộc bụng ở Nga, uy tín của ông Putin vẫn cao kỷ lục.
Lý do cơ bản đằng sau các lệnh trừng phạt là đơn giản: tự do thương mại và các thị trường tự do tạo ra tăng trưởng và do đó tăng sự ủng hộ chính trị đối với chính phủ, ngược lại, những hạn chế sẽ bóp nghẹt tăng trưởng và vì thế làm xói mòn sự ủng hộ đối với chính phủ.
Tầm quan trọng của tự do thương mại và các thị trường tự do từng là nguyên lý trung tâm trong kinh tế học cổ điển Anh thế kỷ 19.
Nó vẫn còn là một thông điệp cốt lõi trong trường phái tân cổ điển phổ biến ngày nay – biểu hiện trong cái gọi là “Đồng thuận Washington, được thừa nhận trên khắp thế giới, theo định hướng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - vốn tuyên bố rằng chìa khóa để phát triển kinh tế là mở cửa, bãi bỏ các quy định, tự do hóa và tư nhân hóa.
Nhưng lý thuyết trên cơ bản vẫn có thiếu sót. Không một cường quốc kinh tế nào từng phát triển chỉ dựa trên cơ sở các chính sách laissez-faire (“allow to do” - chính sách mà trong đó chính phủ có ít sự can thiệp vào các vấn đề kinh tế).
Ví dụ, tăng trưởng kinh tế của Vương quốc Anh chủ yếu dựa vào sự bảo hộ chiến lược, chính sách công nghiệp, thuế quan và các rào cản thương mại phi thuế quan.
Sức mạnh công nghiệp Anh bắt nguồn từ ngành công nghiệp dệt may. Các lãnh đạo của nước này nhận thấy rằng việc xuất khẩu nguyên liệu, chủ yếu là len, sẽ là không đủ để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Do đó, Anh phải tăng các nấc thang giá trị gia tăng, do nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa thành phẩm.
Vì vậy, các nhà lãnh đạo của Anh đã đề ra một chính sách công nghiệp, vốn được kế thừa từ những người thợ dệt Flemish nhằm cung cấp kỹ năng cho các doanh nghiệp Anh.
Hơn nữa, họ dựng lên các rào cản thương mại bằng cách cấm xuất khẩu len thô và nhập khẩu các sản phẩm len đã hoàn tất.
Vào giữa thế kỷ 19, nhà kinh tế học người Đức Friedrich List đã nhấn mạnh vai trò của các chính sách như vậy trong sự phát triển của Vương quốc Anh.
Cùng với lời khuyên của ông, Mỹ, Đức, Nhật Bản đã triển khai việc bảo hộ thương mại và các chính sách công nghiệp đúng đắn, trong khi tích cực hỗ trợ các ngành non trẻ - một chiến lược cho phép họ phát triển nhanh chóng và thậm chí vượt qua cả Anh.
Những rào cản cũng đã chứng minh tính hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế: Năm 1812, khi Anh tuyên bố chiến tranh và áp đặt một lệnh cấm vận thương mại đối với Mỹ, việc thay thế nhập khẩu đã giúp sản xuất của Mỹ phát triển.
Khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ và thuế thương mại đã giảm, sản xuất của Mỹ bị loạng choạng - cho đến năm 1828, khi các mức thuế mới của Anh lại giúp tăng cường lĩnh vực sản xuất của Mỹ.
Tương tự như vậy, trong Thế chiến thứ nhất, một lệnh cấm vận thương mại của Anh thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ cao của Đức do nhu cầu đối với sản phẩm thay thế.
Tất nhiên, các lệnh cấm vận có thể có một tác động tiêu cực khi một quốc gia thiếu các nguồn lực cần thiết để thay thế nhập khẩu. Đó là lý do tại sao các lệnh trừng phạt kinh tế đã gây nhiều tổn hại cho Iran và trước đó, đối với người dân Iraq.
Nhưng với một quốc gia như Nga, với nguồn tài nguyên phong phú, có trình độ công nghệ, lực lượng lao động tay nghề cao thì các lệnh trừng phạt có thể có tác dụng ngược.
Trong ngắn hạn, Nga có tất cả những thứ mà nước này cần để phát triển mạnh, bất chấp hoặc vì các lệnh trừng phạt. Nhưng biến cơ hội thành hiện thực đòi hỏi Nga phải tiến hành một sự chuyển đổi về kinh tế.
Lý thuyết thương mại tân cổ điển dựa trên khái niệm về lợi thế so sánh: các nước cần phát huy những điểm mạnh tương đối của họ, từ sức mạnh công nghệ đến các nguồn tài nguyên.
Nhưng, như các nhà lãnh đạo Anh thừa nhận và kinh nghiệm của nhiều nước châu Phi và Mỹ Latinh đã cho thấy, chỉ xuất khẩu nguyên liệu đơn giản là không đủ để thúc đẩy phát triển.
Trong lịch sử, các chính sách phát triển hiệu quả nhất đều tập trung vào sự can thiệp của chính phủ để thiết lập các ngành công nghiệp trong nước có giá trị gia tăng cao.
Trong thập kỷ trước, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, và Trung Quốc đều đã đi theo con đường này.
Đối với Nga, tăng nấc thang giá trị gia tăng không phải là khó; nước này có tất cả những điều cần thiết để sản xuất các thành phẩm mà họ nhập khẩu trước đó.
Trong thực tế, thay thế nhập khẩu đã tăng năng suất ở một số lĩnh vực chính của Nga: cơ khí, hóa dầu, công nghiệp nhẹ, dược phẩm và nông nghiệp.
Xuất khẩu hàng năm của các mặt hàng có giá trị gia tăng cao tại Nga, đã tăng 6% trong quý đầu tiên của năm nay.
Hơn nữa, lãnh đạo của Nga đã và đang tăng cường hợp tác với các nền kinh tế khác trong khối BRICS (Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), và ông Putin gần đây cũng đã công bố kế hoạch đầy tham vọng để thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga có thể không chỉ thất bại trong việc thay đổi tình hình Ukraine; mà còn có thể giúp Nga thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu vốn được chờ đợi từ lâu.
Nếu Nga thực hiện thành công chế độ định hướng tín dụng từng được các nền kinh tế Đông Á sử dụng, trong khi tăng hiệu quả quản lý, một phép màu kinh tế đối với Moskva là có thể.