LTS: Kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vu cáo và kêu gọi chống Việt Nam là chiêu bài quen thuộc của Sam Rainsy, chủ tịch đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia CNRP để tìm kiếm phiếu bầu trong các cuộc tranh cử. Dai dẳng trong nhiều năm qua, Sam Rainsy và Kem Sokha, một nhân vật khét tiếng khác trong phe đối lập ở Campuchia đã tận dụng mọi cơ hội để reo rắc vào đầu một số người dân Campuchia thiếu thông tin những hình ảnh hoàn toàn sai lệch về Việt Nam.
Gần đây nhất, trong bài phát biểu kêu gọi biểu tình ở tỉnh Seam Reap, Sam Rainsy đã trắng trợn vu cáo "Các đảo (tranh chấp trên biển Đông) thuộc về Trung Quốc, nhưng người Việt Nam đang cố gắng chiếm các đảo đó từ Trung Quốc, vì người Việt Nam rất xấu", và "Việt Nam lấy đất của người Campuchia".
Sam Rainsy, Kem Sokha là ai? Họ đã dùng những chiêu bài "bẩn thỉu" nào để chĩa mũi nhọn về phía Việt Nam hòng tiến thân trên con đường chính trị? Loạt bài mà chúng tôi khởi đăng từ hôm nay sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về những vấn đề nói trên.
Sam Rainsy sinh năm 1949 tại Phnom Penh trong một gia đình danh giá. Cha của ông ta, Sam Sary, là cựu Bộ trưởng Giáo dục, cựu phó Thủ tướng dưới thời quốc vương Norodom Sihanouk. Năm 1965, sau khi ông Sary qua đời – nhiều khả năng là do bị ám sát, Rainsy cùng gia đình sang tị nạn tại Pháp.
Tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng, Sam Rainsy đã làm việc trong những hãng tài chính lớn của Pháp trước khi tự lập công ty của riêng mình rồi bắt đầu dấn thân vào nghiệp chính trị.
Sự nghiệp của Sam Rainsy đã nhận được sự ủng hộ rất nhiều từ vợ, Tioulong Saumura, con gái của cựu Thủ tướng Campuchia Khiek Tioulong.
3 lần bị kết án, 2 lần được ân xá nhờ đối thủ lâu đời
Sam Rainsy trong lần quay trở về Campuchia tháng 7/2013
Sam Rainsy bước vào con đường chính trị khi gia nhập đảng Funcinpec của Hoàng thân Norodom Ranariddh và trở thành đại diện của ông này tại châu Âu vào năm 1989.
Năm 1993, Sam Rainsy được bổ nhiệm vào chức vụ Bộ trưởng Tài chính khi đảng Fucinpec lên nắm quyền. Chỉ khoảng 1 năm sau đó, ông này bị trục xuất khỏi đảng sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Không cam chịu, Rainsy tự thành lập đảng của riêng mình một năm sau đó với tên gọi đảng Dân tộc Khmer và năm 1998 thì đổi tên thành đảng Sam Rainsy để ra tranh cử.
Tuy nhiên, điều đáng nhớ nhất về Sam Rainsy chính là những phát ngôn hung hăng, trơ tráo, và hành động quá khích, gây chia rẽ nội bộ và ảnh hưởng tới quan hệ Việt Nam - Campuchia.
Năm 2005, Sam Rainsy đã chạy ra nước ngoài để tránh bản án 18 tháng tù vì tội danh bôi nhọ, giảm uy tín các nhà lãnh đạo Chính phủ liên hợp Campuchia (giữa đảng Funcipec và đảng Nhân dân CPP). Tới tháng 2/2006, ông này trở về nước sau lệnh ân xá của Quốc vương Norodom Sihamoni.
Năm 2009, Rainsy bị cáo buộc tội danh kích động kì thị dân tộc và làm tổn hại tài sản quốc gia sau khi tự ý nhổ 6 cột mốc biên giới giữa tỉnh Svay Rieng và tỉnh Long An của Việt Nam để mang về Phnom Penh. Bị kết án 2 năm tù vào tháng 1/2010, Sam Rainsy đã bỏ chạy sang Pháp.
Chưa đầy 8 tháng sau đó, Sam Rainsy tiếp tục bị kết án vắng mặt 10 năm tù giam vì tội giả mạo, công bố bản đồ sai lệch về biên giới, cản trở công tác phân giới, cắm mốc giữa Campuchia với Việt Nam. Tháng 7/2013, Sam Rainsy lại một lần nữa được Quốc vương Sihamoni ân xá và quay trở về nước.
Cả 2 lần Sam Rainsy được ân xá đều là nhờ chính đối thủ lâu đời và lớn nhất của mình, Thủ tướng Hun Sen, gửi đơn đề nghị tới Quốc vương Norodom Sihamoni.
Tự hào về nguồn gốc Trung Quốc
Sam Rainsy trong một cuộc gặp gỡ với những người ủng hộ tại thủ đô Phnom Penh.
Một tờ báo Campuchia đã miêu tả chủ tịch đảng Cứu quốc Campuchia Sam Rainsy “là một chính trị gia xảo quyệt, vô tổ chức, cơ hội, ích kỉ, ngu ngốc và vô trách nhiệm, một lãnh đạo đối lập tự phong và phải bị truy tố đầy đủ trước pháp luật".
Một trong những thủ đoạn mà Rainsy sử dụng để vận động sự ủng hộ cử tri, kích động mâu thuẫn là tuyên truyền vu cáo Việt Nam chiếm đất, xâm lược Campuchia, hứa hẹn sẽ đòi chủ quyền đảo Phú Quốc của Việt Nam nếu thắng cử, dù rằng ông ta hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào để thực hiện điều đó.
Đồng thời, Rainsy đã công khai xu nịnh, bợ đỡ Trung Quốc hòng tìm kiếm sự hậu thuẫn của nước này đối với hoạt động chính trị của mình. Không chỉ ca ngợi Trung Quốc là “hình mẫu lý tưởng mà Campuchia phải học hỏi”, Rainsy còn tuyên bố ủng hộ Trung Quốc cùng các hành vi phi pháp, xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên biển Đông.
Sam Rainsy cũng khẳng định tổ tiên của mình là người Trung Quốc di cư và luôn tự hào vì gốc gác đó. Thông tin này thường xuyên được Sam Rainsy và vợ nhắc tới trên báo chí và trong các bài phát biểu, như một cách gây ấn tượng.
Nhiều chính trị gia và nhà ngoại giao cũng cho rằng Sam Rainsy là một kẻ phá hoại khát quyền lực, dường như luôn muốn khuấy động bầu không khí chính trị ở Campuchia thực sự sôi sục cho tới khi đạt được mục tiêu.
Về phần mình, Sam Rainsy khẳng định bản thân là một nhà lí tưởng dân chủ, có thể “cứu vớt" và đưa Campuchia phát triển vượt bậc: "Tôi mơ ước về một quốc gia Campuchia hiện đại. Tôi đã sống hơn nửa đời người ở châu Âu, tôi đã có nhiều tháng ở Mỹ và tôi thấy sự khác biệt giữa 2 xã hội".
Tờ New York Times dẫn lời một nhà phân tích phương Tây cho rằng, Sam Rainsy đã tự đề cao bản thân thái quá khi coi mình là “nhân vật lịch sử trong cuộc đấu tranh vì tương lai của Campuchia".