Kinh tế Trung Quốc: Anh lính học việc trước Nhật

Không hẹn mà gặp, hai cường quốc kinh tế lớn nhất Châu Á và đồng thời đang là nền kinh tế số hai và số ba thế giới, Trung Quốc và Nhật Bản, lại cùng đang có những nỗ lực để tìm ra giải pháp cho một vấn đề sống còn: hướng đi mới cho nền kinh tế.

Dù được đánh giá cao nhưng kinh tế Trung Quốc vẫn còn chịu đầy thách thức.

Một nền kinh tế đạt tới hạn sẽ đối mặt với nguy cơ dậm chân tại chỗ nếu như không thể tìm được một chiến lược phát triển mới.

Và trên con đường này, Nhật Bản dù gặp nhiều trở ngại hơn nhưng đã đi trước Trung Quốc một chặng đường không phải là ngắn.

Trên thực tế, vấn đề lớn nhất đối với Nhật Bản không phải là tìm ra hướng đi mới cho nền kinh tế.

Hướng đi của nền kinh tế xứ hoa anh đào hầu như đã được xác định sẵn từ cách đây vài thập kỷ và hiện vẫn đúng ở thời điểm hiện tại.

Đó là khả năng đầu tư ở nước ngoài của các tập đoàn hùng mạnh trên mọi lĩnh vực của nước Nhật kết hợp với khai thác tiềm năng của thị trường nội địa vốn có sức mua cực cao của người dân Nhật.

Nhật Bản vẫn đang là một trong những quốc gia có khả năng cạnh tranh và mức đầu tư ở nước ngoài thuộc diện đứng đầu trên thế giới.

Với những lợi thế và ưu điểm về công nghệ, vốn, khả năng quản lý vượt trội, các tập đoàn và doanh nghiệp Nhật luôn nhận được sự chào đón và ưu ái rất lớn từ các quốc gia mà Nhật đầu tư.

Tầm quan trọng của đầu tư Nhật Bản ở nước ngoài lớn đến mức, các hãng tin tức trên thế giới coi xu hướng chuyển đổi khu vực đầu tư của doanh nghiệp Nhật như một chỉ dấu quan trọng để đánh giá khả năng tăng trưởng của khu vực đó.

Không kém phần quan trọng đối với sức mạnh của kinh tế Nhật là thị trường nội địa dồi dào.

Với dân số xấp xỉ 130 triệu người và đi cùng với đó là sức mua cực cao của người dân Nhật vốn có mức sống và thu nhập hàng đầu thế giới, thị trường nội địa Nhật lớn đến mức nó đảm bảo cho kinh tế Nhật gần như không bao giờ sụp đổ dù kinh tế thế giới có khủng hoảng ra sao, và góp một tiếng nói quyết định vào sức mạnh của nền kinh tế Nhật.

Vấn đề lớn nhất của Nhật Bản ở thời điểm hiện tại, là tái khởi động cỗ máy khổng lồ ấy hoạt động trở lại với tần suất cách đây gần ba thập kỷ, trước khi Nhật rơi vào tình trạng giảm phát.

Tất cả các chính sách cải tổ kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe, thường được gọi là Abenomics, đều nhằm tái khởi động cỗ máy kinh tế khổng lồ này hoạt động trở lại.

Dù một gam màu trầm vẫn đang chiếm thế chủ đạo khi trong hai quý liên tiếp kinh tế Nhật đều giảm tăng trưởng – một dấu hiệu của suy thoái, nhưng ánh sáng đã le lói ở trong đường hầm khi doanh thu của các tập đoàn Nhật đều tăng mạnh kể từ khi Abenomics được triển khai, cộng với các biện pháp kích cầu đang khiến thu nhập hộ gia đình ở Nhật đang tăng trưởng ở mức khả quan, ước tính đạt mức tăng 8% trong năm nay.

Một khi sức mua ở thị trường trong nước tăng cao, cũng đồng nghĩa với cái bánh răng còn lại trong bộ máy kinh tế khổng lồ của Nhật cũng đã hoạt động trở lại.

So với Nhật Bản, bức tranh kinh tế của Trung Quốc được bao phủ bởi một gam màu tươi sáng hơn, nhưng ẩn chứa nhiều nguy cơ và rủi ro hơn.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vừa trải qua một thời kỳ tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, được ví như một sự thần kỳ.

Điều này cho phép Trung Quốc gặp nhiều thuận lợi hơn trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng so với Nhật Bản đã trải qua hơn hai mươi năm trì trệ của nạn giảm phát.

Chuyển hướng một con tàu đang chạy nhanh từ đường ray này sang đường ray khác luôn có nhiều thuận lợi hơn bắt một con tàu đã chạy đều đều ở một tốc độ trong hai mươi năm phải chạy nhanh hơn, nhưng nó cũng đồng nghĩa với nhiều rủi ro hơn.

Khác với Nhật Bản, vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại là tìm ra hướng đi mới cho tương lai với một mô hình tăng trưởng mới.

Mô hình tăng trưởng dựa trên giá nhân công rẻ và xuất khẩu đã sắp tới hạn và không thể duy trì thêm. Chuyển đổi mô hình kinh tế luôn là một việc cực kỳ khó khăn và phức tạp, đòi hỏi một tầm nhìn và nỗ lực vượt bậc.

Nếu như Nhật Bản đã có sẵn một cỗ máy kinh tế hoàn chỉnh khổng lồ và đang vất vả để tái khởi động nó, thì Trung Quốc giờ đây mới đang bắt tay vào thiết kế và lắp ráp cỗ máy kinh tế của riêng mình.

Một khi không thành công, cỗ máy đó có thể kéo nền kinh tế Trung Quốc xuống vực thẳm, khi mà sức mua của thị trường nội địa Trung Quốc vẫn ở mức giới hạn do thu nhập đầu người trung bình, và quan trọng hơn là các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đang chiếm một tỷ lệ cao ở thị trường nội địa đó.

Giới chuyên gia vì vậy cho rằng, Trung Quốc đang có nhiều lợi thế hơn Nhật Bản trên con đường tìm ra hướng đi mới cho nền kinh tế, nhưng lại đang đối mặt với những nguy cơ lớn hơn rất nhiều.

Bản thân Nhật Bản cũng đã đi trước Trung Quốc một chặng khá dài khi Abenomics được triển khai đã được hai năm, còn Bắc Kinh giờ đây mới bắt tay vào cải tổ nền kinh tế.

Một cuộc chạy đua có thể ảnh hưởng tới cả khu vực và thế giới, và ở thời điểm hiện tại, người Nhật đang dẫn trước.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại