Trong một bài viết hiếm hoi tỏ thái độ khen ngợi nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên, Hãng thông tấn Anh Reuters thông tin: Bên ngoài những hình ảnh thường thấy về tham vọng hạt nhân và đe dọa chiến tranh, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong-un đang tiến hành một cuộc “cách mạng xây dựng” nhằm làm “thay da, đổi thịt” một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, với các nguồn viện trợ chủ yếu từ Trung Quốc và Nga.
Dựa trên ảnh vệ tinh, các thông tin và hình ảnh do những người thường xuyên đến Triều Tiên gửi về, các hoạt động xây dựng đang diễn ra nhộn nhịp, không chỉ là các khu trượt băng, các công viên giải trí và các khu chung cư mà các hãng thông tấn nước này thường hay đưa tin. Những công trình xây dựng không chỉ mọc lên ở thủ đô Bình Nhưỡng, mà sự thay da đổi thịt còn diễn biến ở cả các khu làng và thị trấn nhỏ. “Rất nhiều tòa nhà mới đã được xây dựng tại vùng nông thôn, dù rằng quy mô của chúng nhỏ hơn ở thủ đô” - một nhà ngoại giao mới tới thăm Triều Tiên nói với Reuters.
Một trong những thay đổi chính sách lớn dưới thời Kim Jong-un là việc chú trọng hơn đến kinh tế, dù căng thẳng vẫn tiếp tục tăng tại bán đảo Triều Tiên và Triều Tiên một lần nữa trở thành đề tài chỉ trích về việc vi phạm nhân quyền. Chính sách “tiên quân” của Chủ tịch Kim Jong-il đã đẩy Triều Tiên vào nạn đói thập niên 1990. Chính điều này đã giúp “Kim Jong-un hiểu rằng, mặt trận kinh tế còn cấp thiết hơn nhiều so với vũ khí hạt nhân” - ông Park Sang-kwon - Giám đốc điều hành Pyeonghwa Motors, một liên doanh ôtô liên Triều tại Triều Tiên và đã được Kim Jong-un mời tư vấn hồi tháng 7 - cho hay.
Nhờ vào những năm thực hiện chính sách “tiên quân”, ưu tiên đầu tư cho quân đội, nhà lãnh đạo Triều Tiên trẻ tuổi đã có trong tay đội quân 1,2 triệu binh sĩ để thực thi các mục tiêu mà ông đưa ra. “Những công nhân xây dựng - binh sĩ” này là lực lượng chủ đạo để xây nên các khu chung cư và các tuyến đường giao thông huyết mạch. Trung Quốc đã chi hơn 300 triệu USD để xây một cầu treo bắc qua con sông Yalu rộng hơn 1km, nối liền thành phố cảng Dandong của nước này với Sinuiju của Triều Tiên - theo báo chí Trung Quốc.
“Có rất nhiều dự án tại Triều Tiên do Trung Quốc tài trợ” - theo chuyên gia Wang Yizhou - Trường Quốc tế tại ĐH Bắc Kinh. Hồi tháng 9, Nga cũng đã tái mở một tuyến đường sắt từ thị trấn miền đông Khasan đến cảng Rajin của Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng đang xây dựng hàng loạt khu nghỉ dưỡng hiện đại để thu hút du khách, trong đó có khu trượt tuyết Masik ở phía tây Wonsan. Triều Tiên dự định sẽ thu về 43,47 triệu USD doanh thu hằng năm từ khu nghỉ dưỡng này, với ước tính tiếp đón hơn 5.000 người đến đây trượt tuyết mỗi ngày khi mở cửa vào năm tới.
Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn đối mặt với thách thức lớn để thuyết phục các nhà đầu tư đến nước này. Những nỗ lực thành lập đặc khu công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài hầu hết đã thất bại. Tập đoàn Xiyang Group của Trung Quốc mới đây đã mô tả việc làm ăn ở Triều Tiên là “cơn ác mộng” sau khi tài sản của họ bị chính quyền Triều Tiên thu hồi năm 2012.
Bất chấp những dấu hiệu tiêu cực này của môi trường kinh doanh tại Triều Tiên, ông Kim - một doanh nhân Hàn Quốc - cho biết, vẫn đang chờ đợi cơ hội đầu tư. “Có những chỉ dấu rõ ràng về sự chuyển hướng chính sách, được kỳ vọng sẽ giúp môi trường tại Triều Tiên cởi mở hơn” - ông Kim nói.