Một nhóm thanh niên choai choai trông ưa nhìn, hay trêu ghẹo đã cho cô bé và các bạn đi xe miễn phí, mua kem sau giờ học.
Bài phóng sự trên New York Times cho biết, dần dà, những gã lớn tuổi hơn tiếp cận các cô gái trẻ, trong khi đám thiếu niên kia rút lui. Rồi họ cho đi nhờ trên những chiếc xe hơi thật sự, và mời rượu vodka cùng với cần sa. Đặc biệt là một gã người Pakistan lớn gấp đôi tuổi của cô và cũng là kẻ đứng đầu nhóm, tán tỉnh rồi mua đồ uống cho cô, thậm chí cả điện thoại di động. Lucy thấy phải lòng hắn.
Những lần cưỡng bức diễn ra đều đặn, mỗi tuần một lần, rồi sau đó là hàng ngày: lúc ở bức tường tưởng niệm chiến tranh ở công viên Clifton, lúc ở trong hẻm gần bến xe buýt, vô số lần trong xe hơi và một lần cô bị nhốt trong một căn hộ mà không được mặc đồ, và phải phục vụ nửa tá đàn ông còn đứng xếp hàng bên ngoài.
Cô bị buộc làm vậy. Làm sao có thể trái ý? Chúng biết nơi cô sống. “Nếu mày không trở lại, tao sẽ cưỡng bức cả mẹ mày và bắt mày phải xem cảnh đó” – đám người này có thể nói vậy với Lucy.
Đến đêm, cô trở về nhà và giấu đám quần áo nhàu nát ở sau cánh cửa buồng. Rồi cuối cùng, cô cũng lấy đủ can đảm để nói chuyện với mẹ, ngay sát ngày sinh nhật thứ 14 của cô. Hai nhân viên cảnh sát đã tới nhà để thu giữ chỗ quần áo đó làm bằng chứng trong nửa tá túi đựng.
Chỉ vài ngày sau đó, họ gọi lại để báo là các túi đồ đó đã mất.
“Tất cả ư?” – cô hỏi lại. Một tấm séc được gửi tới nhà cô, trị giá 140 bảng Anh, tương đương 232 USD, để đền bù số tài sản bị mất.
Gia đình cô nản chí, không muốn tiếp tục gây sức ép để buộc tội. Đó là những lời nói của cô gái nhằm chống lại đám đàn ông kia. Vụ việc khép lại.
Trường hợp của Lucy cũng là điển hình cho những gì mà các nhà điều tra cho biết đã xảy ra trong suốt 16 năm tại thị trấn nghèo Rotherham với 257.000 dân ở miền bắc nước Anh. Thị trấn này có ít nhất 1.400 trẻ em, có khi mới 11 tuổi, bị lạm dụng tình dục, trong khi các nhà chức trách lại làm ngơ.
Một em gái nói với các điều tra viên rằng, băng đảng hãm hiếp này đã phần nào gia tăng trong khu cô sinh sống.
Từ giữa năm 1997-2013, mặc dù có vô số vụ báo cáo về lạm dụng tình dục, nhưng chỉ có duy nhất một vụ liên quan tới ba bé gái vị thành niên được đem ra xét xử, khiến 5 người đàn ông vào tù.
Quy mô cũng như mức độ dữ dội của các vụ lạm dụng ở Rotherham đã gây sốc cho cả quốc gia, vốn đã rung chuyển bởi một loạt vụ bê bối lạm dụng tình dục liên quan tới những người nổi tiếng, quan chức hành chính công, giáo viên… tại những trường học tư đắt tiền.
Báo cáo về tình trạng ở Rotherham cho thấy, thực tế này vẫn chưa bị khống chế trong nhóm những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Anh.
Báo cáo cũng cho thấy, các nạn nhân và cha mẹ của họ đã lên tiếng cầu cứu, nhưng cảnh sát và các dịch vụ xã hội hầu như đã lướt qua họ, bất chấp có vô số chi tiết mà họ đã biết trong hơn một thập kỷ, mà trong số đó có trường hợp có cả tên của nghi phạm và biển số xe hơi.
Không vấp phải trở ngại gì, nên nạn lạm dụng bủng nổ như nấm mọc sau mưa. Các nhà điều tra sau đó phát hiện ra những vụ hối lộ cá nhân trở thành cơ hội kinh doanh cho đám đàn ông đó.
Sự việc còn cho thấy một vấn đề nhức nhối khác, đó là các mối quan hệ về chủng tộc tại Anh. Các nạn nhân chủ yếu là bé gái da trắng, còn thủ phạm phần lớn là người gốc Pakistan.
Các cô gái trẻ không chỉ bị đàm đàn ông địa phương ‘chia nhau’, mà còn bị bán, hoặc trao đổi lấy thuốc phiện hoặc súng và có khi bị đưa tới những thành phố như Sheffield, Manchester, hay London.
Khi cha mẹ các nạn nhân báo cáo về việc con gái họ mất tích, phải mất 24 giờ cảnh sát mới tới. Nếu gọi nhiều quá, họ còn bị phạt vì tội làm mất thời gian của cảnh sát.
Một số nhân viên và quan chức địa phương nói rằng, họ không hành động là vì sợ bị cáo buộc hành vi phân biệt chủng tộc. Nhưng Alexis Jay, cựu thanh tra viên tiến hành điều tra độc lập, cho biết có tồn tại một thứ văn hóa phân biệt đối xử giới tính trong nhiều năm liền tại đây.
Về trường hợp cô gái bị năm gã hãm hiếp, một viên thám tử ở sở cảnh sát đã không ghi trường hợp của cô là bị lạm dụng tình dục. Khi đó cô mới 12 tuổi.
Lucy giờ đã 25 tuổi, nhưng không muốn nói rõ họ của mình vì đám người từng ra tay tàn bạo với cô vẫn sống ở gần đó. Cô nhớ lại khi cảnh sát thẩm vấn về vụ cưỡng bức, họ gọi những kẻ hung bạo đó là ‘bạn trai’ của cô.
Hồi tháng 11/2002, Lucy 13 tuổi. Khi cô lên giường đi ngủ vào ban đêm, cô nhận được tin nhắn hỏi thăm từ gã đã tra tấn cô suốt nhiều tháng. Rồi cô tự nhủ, cưỡng bức trở thành bình thường. “Tôi nghĩ, đó hẳn là lỗi của tôi. Chắc là tôi đã để lại dấu hiệu gì đó cho họ” – Lucy nghĩ.
Sau khi sự việc vãn hồi, cha mẹ Lucy quyết định bán sản nghiệp của gia đình và chuyển tới Tây Ban Nha trong 18 tháng. “Rõ ràng là rời khỏi đất nước là cách duy nhất mà chúng tôi có thể cứu Lucy” – mẹ cô nói.
Lucy bị trầm cảm nặng và biếng ăn suốt nhiều năm. Giờ cô làm tư vấn cho vấn đề trẻ em bị lạm dụng tại sở cảnh sát và các quỹ từ thiện.
“Họ nói rằng họ cần chăm lo cho các em gái dễ bị tấn công. Tất nhiên, đám trẻ rất mong manh. Chúng ngây thơ. Chúng chỉ là trẻ con mà” – mẹ của Lucy nói.