Kết thúc hòa đàm Syria: Ít hào hứng, không tiến triển

Hoài Thanh |

Vòng một của đàm phán hòa bình cho khủng hoảng Syria (gọi tắt là Hội nghị Geneva-3) đã kết thúc sau 10 ngày gặp gỡ, với kết quả “ít hào hứng, không bỏ họp và không tiến triển” – đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) Staffan de Mistura nhìn nhận.

Mục đích mà ông Mistura theo đuổi tại Hội nghị Geneva-3 là một bản kế hoạch về chuyển tiếp chính trị ở Syria, nhưng xem ra chưa có một dấu hiệu rõ ràng nào và một giải pháp chính trị cho khủng hoảng Syria vẫn còn rất xa vời.

Dù thành công trong việc giữ chân phái đoàn đàm phán đại diện cho chính quyền Damascus và lực lượng đối lập, không để các bên bỏ các cuộc gặp gián tiếp, nhưng đặc viên LHQ cũng thất bại trong việc đẩy các bên ngồi đàm phán trực tiếp, hoặc là thảo luận về bước chuyển tiếp chính trị do LHQ dàn dựng với một chính thể thay thế chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Tuy nhiên, việc đàm phán không đứt gãy như hội nghị gần nhất, cùng với đó là tình hình tương đối yên tĩnh tại Syria nhờ lệnh ngừng bắn mong manh cho thấy một thực tế các bên liên quan dường như không còn có nhiều sự lựa chọn.

Sau 5 năm xung đột mà không bên nào xác lập được chiến thắng về mặt quân sự, giờ là lúc Damascus và phe đối lập phải chấp nhận một thực tại: thật sự khó có một giải pháp nào khác ngoài tiếp tục đàm phán.

Hòa đàm vòng 1 kết thúc ngày ngày 24/3, với dự kiến vòng 2 sẽ được nối lại vào ngày 9/4 tới. Trưởng phái đoàn đàm phán Syria Bashar Jaafari đã có cuộc gặp riêng với ông Mistura trong ngày cuối cùng, nhưng không tham gia họp báo trước khi rời Geneva.

Trả lời phỏng vấn báo chí buổi tối trước đó, ông Jaafari nói: “Lần đầu tiên, chúng tôi đã có thể khai thông bế tắc, có lẽ mang tính biểu tượng là chính, chỉ một chút thực chất. Nhưng các cuộc tiếp xúc vẫn chưa đi vào những vấn đề then chốt”.

Đại diện Ủy ban đàm phán cao cấp (HNC) của phe đối lập, ông George Sabra thì bày tỏ “rất khó để có bước tiến trong đàm phán, thế nhưng chúng tôi sẽ chiến đấu trên mặt trận này, như trên mặt trận quân sự”.

Không có nhiều tín hiệu vui về lộ trình chuyển tiếp - “vấn đề của mọi vấn đề” theo cách nói của ông Mistura, với điểm nghẽn lớn nhất là tương lai chính trị của ông Assad.

Vụ tấn công ở Brusssels (Bỉ) cũng tạo ra một trở ngại khác, khi chống khủng bố lại trở thành chủ đề gây tranh cãi, làm loãng các phiên tiếp xúc bàn về chuyển tiếp chính trị.

Ông Jaafari bảo lưu quan điểm chống khủng bố phải là ưu tiên hàng đầu, trong khi đặc phái viên LHQ thì nhìn nhận “ưu tiên của mọi ưu tiên” trong chống khủng bố là thành lập được một chính phủ chuyển tiếp.

Tại Geneva, văn phòng đặc phái viên Mistura cho lưu hành tài liệu 12 điểm, được hy vọng là sẽ tạo ra nhận thức nền tảng chung để hai bên tiến hành thảo luận, đi tới thống nhất, ví như các chủ đề về yêu cầu thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, cải cách thiết chế nhà nước, bài trừ khủng bố, xây dựng lại quân đội, mở đường để người tị nạn Syria hồi hương… trước khi đụng đến các vấn đề về lộ trình chuyển đổi.

Trưởng đoàn đàm phán Syria thì trao tài liệu về cách thức chống khủng bố. Ông chỉ trích đích danh thành viên cấp cao của phái đoàn HNC Mohammed Alloush, gọi ông này là “khủng bố” và tuyên bố sẽ không ngồi cùng bàn cho đến khi Alloush đưa ra lời xin lỗi vì những tội ác đã gây ra.

HNC đổ lỗi hòa đàm không đạt kết quả vì Damascus và phái đoàn Syria không có ý định đàm phán thực chất, tìm cách lãng phí thời gian.

“Geneva đâu phải là nơi để thảo luận về cao nguyên Golan… Họ chỉ thích nói đến những chủ đề không logic”, phát ngôn viên HNC Salim al-Muslat nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại