Hun Sen: Muốn ly khai thì cứ việc, nhưng chúng tôi sẽ pháo kích

Đức Huy |

Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định sẽ dùng đến biện pháp quân sự cứng rắn nếu nhóm hoạt động xã hội nước ngoài âm mưu thành lập khu tự trị tại Areng.

Báo Bưu điện Phnom Penh (Campuchia) hôm nay (25/2) dẫn lời Thủ tướng Hun Sen cho biết, ông sẽ không ngần ngại sử dụng các biện pháp quân sự cứng rắn nếu các nhà hoạt động xã hội nước ngoài tiếp tục "can thiệp trái phép" tại thung lũng Areng.

Phát biểu của ông Hun Sen đến sau khi nhóm này kêu gọi người dân địa phương chặn đường ngăn cản quan chức các công ty đến Areng để xem xét dự án xây dựng một đập thủy điện tại đây.

Báo này cũng cho biết, ngoài việc phản đối đập thủy điện nói trên, các nhà hoạt động xã hội này từ lâu đã có ý định biến thung lũng Areng thành một "khu tự trị" tách biệt khỏi Campuchia.

Một người trong nhóm này, ông Alejandro Gonzalez-Davidson, quốc tịch Tây Ban Nha, đã bị trục xuất đêm thứ Hai (23/2) vừa qua.

Nhà hoạt động xã hội của tổ chức phi chính phủ Mother Nature Alex Gonzalez-Davidson (giữa), người mới đây đã bị chính quyền Campuchia trục xuất. Ảnh: Phnom Penh Post.
Nhà hoạt động xã hội của tổ chức phi chính phủ Mother Nature Alex Gonzalez-Davidson (giữa), người mới đây đã bị chính quyền Campuchia trục xuất. Ảnh: Phnom Penh Post.

Theo một nguồn tin cùng ngày của tờ Cambodia Daily, phát biểu trước các quan chức chính phủ tại đảo Koh Pich, Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia cũng đe dọa sẽ dùng đến pháo BM-21 nếu tình hình tiếp diễn.

"Dám bắt giữ chuyên gia và quan chức đến làm việc tại Areng thì thật là quá quắt. Nếu các anh muốn tách Areng ra khỏi Campuchia thì cứ việc, nhưng chúng tôi sẽ dùng đến BM-21 nếu các anh dám làm vậy", ông Hun Sen phát biểu.

Theo Cambodia Daily, BM-21 là hệ thống pháo phản lực phóng loạt do Nga chế tạo và được Campuchia liệt vào danh sách khí tài quân sự quốc gia.

Trước khi đưa ra tuyên bố này, ông Hun Sen cũng nhiều lần bày tỏ sự mệt mỏi trước những tranh luận liên miên về tương lai của thung lũng Areng, đồng thời cảnh báo người nước ngoài không nên can thiệp vào suy nghĩ của người Campuchia về tình hình đất nước.

"Tôi cũng chán lắm rồi. Người Khmer cũng hiểu biết chứ. Chúng tôi không cần người nước ngoài phải dạy chúng tôi phải làm gì", ông phát biểu.

Quang cảnh thung lũng Areng. Ảnh: Google Images.
Quang cảnh thung lũng Areng. Ảnh: Google Images.

Ông Hun Sen cũng khẳng định chưa có kế hoạch cụ thể về dự án thủy điện do Trung Quốc tài trợ này.

"Đừng có nói về Areng nữa, cứ để các nhà nghiên cứu làm việc. Và tôi cũng nói luôn rằng dù kết quả của nghiên cứu ra sao, thì cũng sẽ không có bất kì xây dựng gì tại đây từ giờ cho đến năm 2018", ông cho biết.

Về phía các nhà hoạt động xã hội, ông In Kongcheth, điều phối viên nhóm Licadho tại Koh Kong, cho biết, họ không hề có kế hoạch ly khai thung lũng Areng, nhưng luôn sẵn sàng bảo vệ quyền lợi người dân tại đây.

Dự kiến, nếu triển khai thủy điện ở Areng, sẽ có hơn 1.000 người dân tộc Chong phải di dời, tái định cư.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại