Cùng ngày, quốc hội Iraq nhóm họp để bỏ phiếu thông qua chính phủ do Thủ tướng được bổ nhiệm Haider al-Abadi đưa ra. Thành phần nội các không được tiết lộ trước nhưng dự kiến bao gồm đại diện của mọi tín ngưỡng và giáo phái.
Đài BBC nhận định kết quả này sẽ làm giảm căng thẳng giữa cộng đồng người Shiite, Sunni và Kurd, đồng thời cho phép Mỹ tăng cường trợ giúp quân sự trong cuộc chiến chống IS.
Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến công bố kế hoạch đối phó IS cụ thể trong ngày 10-9. Theo tiết lộ của báo The New York Times, Washington đang chuẩn bị chiến dịch chống IS gồm 3 giai đoạn và có thể kéo dài đến 3 năm.
Giai đoạn 1: Tiếp tục không kích và giành lại những vùng đất IS đã chiếm được ở Bắc và Tây Iraq.
Giai đoạn 2 (sau khi Iraq thành lập chính phủ nhiều thành phần): Tăng cường huấn luyện, cố vấn hoặc trang bị cho quân đội Iraq, chiến binh người Kurd và có thể là thành viên các bộ tộc Sunni.
Giai đoạn 3 (có thể kéo dài sang đời tổng thống mới): Tấn công IS bên trong Syria.
Trong khi đó, có dấu hiệu cho thấy IS đang tuyển mộ thành viên ngay trong lãnh địa của Taliban và Al-Qeada ở Afghanistan và Pakistan. Giới chuyên gia an ninh cho rằng chính vì vậy mà thủ lĩnh Al-Qeada Ayman al-Zawahiri tuyên bố thành lập chi nhánh ở Ấn Độ.
Sự tranh giành ảnh hưởng này không chỉ đe dọa an ninh Nam Á mà còn có thể lan ra toàn châu Á. Ngoài ra, theo Reuters, IS cũng đang vươn vòi sang Bắc Phi khi đứng ra huấn luyện cho nhóm chiến binh nguy hiểm nhất Ai Cập.
Đặc biệt, trả lời phỏng vấn kênh Press TV (Iran) hôm 7-9, nhà bình luận chính trị người Mỹ Mark Glenn nhấn mạnh IS là một thế lực gần như không thể chặn đứng vì... được Mỹ hậu thuẫn. Theo ông, Mỹ muốn gây bất ổn Iraq thêm nữa, sau đó là Syria và có thể đến lượt Iran.
Ông Glenn khẳng định: “Người Mỹ rất giỏi tiếp thị. Họ hiểu rằng khi một sản phẩm cũ đi, họ phải đưa ra một phiên bản mới được cải tiến để hấp dẫn người tiêu dùng”. Ý ông Glenn là khi Al-Qaeda đã lỗi thời, Mỹ cần “dán mác” khủng bố Hồi giáo cho một thế lực mới và đó chính là IS.