Trong lần liên lạc cuối cùng từ QZ8501, một phi công yêu cầu được bay từ độ cao 32.000 feet (gần 9,8 km) lên 38.000 feet (gần 11,6 km), ông Wisnu Darjono, Giám đốc AirNav Indonesia (cơ quan điều khiển hoạt động trên không của Indonesia), dẫn nội dung bản ghi hội thoại mà Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia đang nắm giữ.
Khoảng 2 phút sau, đơn vị kiểm soát không lưu mới cho phép bay lên cao, nhưng giới hạn ở độ cao 34.000 feet (gần 10,4 km), ông Darjono cho biết.
Theo AirNav Indonesia, tại thời điểm QZ8501 xin phép bay cao lên, có 6 máy bay đang bay ở các độ cao khác nhau trong cùng khu vực, dẫn tới việc đơn vị kiểm soát không lưu hồi đáp chậm trễ.
“Kiểm soát không lưu không thể ngay lập tức cho phép bay ở độ cao 38.000 feet vì cần phải kiểm tra xem liệu gần đó có máy bay khác hay không”, ông Darjono nói.
Dữ liệu từ trang tin chuyên về thời tiết Accuweather.com cho thấy, dọc đường bay của QZ8501 có mưa bão.
Dữ liệu radar cho thấy máy bay của AirAsia Indonesia đã bay vọt lên cao theo kiểu dốc đứng, hành động có thể phá vỡ giới hạn chịu đựng của máy bay, Reuters dẫn lời một nguồn tin tiếp cận được kết quả điều tra sơ bộ.
Trong khi các thợ lặn đang tìm kiếm hai hộp đen của QZ8501, những phút liên lạc cuối cùng từ chuyến bay có thể cung cấp đầu mối quan trọng để người ta biết được tại sao ngày 28/12/2014, chiếc Airbus A320 chở 162 người rơi xuống biển gần thành phố Pangkalan Bun của Indonesia, cách Singapore khoảng 966 km về phía đông nam.
AirNav không thể công bố bản ghi nội dung hội thoại giữa QZ8501 và trạm kiểm soát không lưu, vì chỉ có Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia có thẩm quyền làm như vậy, ông Darjono nói.
Ông từ chối cung cấp thông tin chi tiết về bản ghi này.
Việc mất hai phút để kiểm soát không lưu trả lời yêu cầu của phi công về nâng độ cao không nhất thiết đồng nghĩa với bất bình thường, vì đường bay có lúc thưa vắng, có lúc đông đúc, ông Bill Parrot, một phi công nghỉ hưu, hiện là phó giáo sư về hàng không ở Trường Đại học Lewis (Mỹ), nói.
Ở một số khu vực có giao thông hàng không nhộn nhịp, như ở thành phố Chicago (Mỹ), một trạm kiểm soát không lưu có thể cùng lúc giám sát tới 8 tần số liên lạc, ông Parrot cho biết.
“Có những thời điểm phi công mới thực sự là người thấu hiểu và quyết định mức độ khẩn cấp của vấn đề.
Nếu phi công tuyên bố đó là trường hợp khẩn cấp, họ có thể tự mình làm điều mình muốn”, ông Parrot nói.
Tính đến tối 2/1/2015, đã tìm thấy 30 thi thể người tại khu vực QZ8501 rơi, Cơ quan Tìm kiếm – Cứu nạn Quốc gia Indonesia thông báo.
Ngày 2/1/2015, có những lúc sóng biển cao tới 5m nên việc tìm kiếm thi thể nạn nhân và xác máy bay gặp nhiều khó khăn.