Hậu thảm kịch 4U9525: Lật lại câu chuyện “buồng lái hai người”

P.Nghĩa |

Sau thảm kịch chiếc Airbus A320 mang số hiệu 4U9525 rơi xuống dãy Alps ở Pháp, các hãng hàng không quốc tế vội đưa ra quy tắc “buồng lái hai người” để phòng trừ hậu họa.

Hôm 26-3, công tố viên Brice Robin đến từ TP TP Marseille – Pháp dẫn thông tin điều tra hộp đen chiếc Germanwings 4U9525 cho biết cơ phó Andreas Lubitz, 28 tuổi, người Đức, đã chủ định nhốt cơ trưởng ngoài buồng lái và cố ý để máy bay lao xuống hẻm núi tự sát.

Các hãng hàng không lớn trên thế giới bao gồm Norwegian Air Shuttle (Scandinavia), EasyJet (Anh), Air Canada (Canada), Air Berlin (Đức) nhanh chóng giới thiệu quy tắc về an toàn buồng lái, trong có quy định buồng lái máy bay lúc nào cũng phải có hai người.

Điều này có nghĩa nếu một trong hai phi công rời buồng lái để đi vệ sinh hay lấy nước, tổ bay sẽ điều một thành viên phi hành đoàn vào buồng lái để thế chỗ cho đến khi phi công quay trở lại.

Trước khi thảm kịch 4U9525 xảy ra, hàng không Mỹ đã áp dụng quy tắc này.

Nhưng nhiều quốc gia khác vẫn cho phép một trong hai phi công được rời buồng lái để làm công việc cá nhân, miễn là còn một phi công nắm cần điều khiển.

Tuy nhiên, công ty mẹ Lufthansa của Germanwings (Đức), hãng hàng không có chiếc máy bay Airbus A320 vừa gặp nạn, từ chối thay đổi theo quy tắc “buồng lái hai người”.

Giám đốc điều hành Lufthansa, ông Carsten Spohr, tin rằng điều này không cần thiết.

Ông nói: “Tôi thấy chẳng cần phải thay đổi quy trình của chúng tôi. Sự cố vừa qua chỉ là trường hợp ngoại lệ. Chúng ta không nên đánh mất bản sắc riêng bởi những biện pháp ngắn hạn”.

Ý kiến của ông Spohr khiến nhiều cư dân mạng xã hội Twitter lên tiếng chỉ trích, tuy giám đốc Lufthansa cho biết hãng sẽ thảo luận về quy tắc này với các chuyên gia của mình cũng như cơ quan chức năng vào ngày 27-3.

Hiệp hội Hàng không Đức (BDL) thông báo tất cả các hãng hàng không nội địa, trong đó có Lufthansa, đã đồng ý thảo luận về kế hoạch thay đổi quy tắc an toàn bay.

Giám đốc BDL Matthias von Randow trả lời hãng tin Reuters: “Chúng tôi sẽ xem xét việc giới thiệu các thủ tục mới và không để chậm trễ”.

Thảm kịch Germanwings 4U9525 một lần nữa làm dấy lên tranh luận về biện pháp bảo vệ an toàn buồng lái, kể từ khi các nhà quản lý máy bay yêu cầu gia cố cửa buồng lái chắc chắn sau vụ khủng bố 11-9-2001 tại Mỹ.

Theo đó, cửa buồng lái có thể chịu được đạn súng ngắn và lựu đạn, trong khi không thể mở bằng chìa khóa mà chỉ có thể dùng mật khẩu, đề phòng trường hợp hành khách lấy được chìa khóa từ thành viên phi hành đoàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại