Hàn Quốc chưa bao giờ hết 'run rẩy' trước 'mối nguy Triều Tiên'

Việc Hàn Quốc yêu cầu Mỹ rút rồi lại tham gia "Quyền kiểm soát hoạt động thời chiến" (OpCon) cho thấy Seoul vẫn chưa tự tin về khả năng bảo vệ an ninh quốc gia trước Triều Tiên.

Theo WSJ, Trong những ngày gần đây, việc thông tin về Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ lĩnh nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi được đăng tải tràn lan trên các trang báo nước ngoài đã phần nào khiến dư luận tạm quên đi nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un. 

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ông Kim đã trở nên "hiền lành". Điển hình, kể từ hồi tháng Một, ông Kim đã liên tục hạ lệnh thử nghiệm tới 20 tên lửa tầm ngắn. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng đã cho công bố những bức ảnh vệ tinh làm bằng chứng về việc Bình Nhưỡng tái khởi động lò phản ứng sản xuất nhiên liệu plutonium tại cơ sở hạt nhân Yongbyon. Hôm 14/9, Triều Tiên còn kết án công dân Mỹ Matthew Miller (24 tuổi) 6 năm tù khổ sai.

Mối quan hệ 3 bên Mỹ - Hàn - Nhật là yếu tố sống còn đối với nền hòa bình và thịnh vượng lâu dài tại Thái Bình Dương.

Một tin quan trọng khác là Mỹ và Hàn Quốc đã quyết định tiếp tục chung tay kiểm soát tình hình quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Theo đó, vào tháng tới, chính quyền của Tổng thống Barack Obama có khả năng sẽ thông báo về việc mở rộng cam kết chịu trách nhiệm chỉ huy cả quân đội Mỹ và Hàn Quốc trong bối cảnh xảy ra chiến tranh với Triều Tiên. Cam kết chỉ huy quân đội Mỹ - Hàn cùng tác chiến đã được phía Washington thực hiện trong giai đoạn Chiến tranh liên Triều và sẽ hết hạn vào tháng 12/2015. 

Tuy nhiên, cách đây 10 năm, dưới thời Tổng thống Hàn mang tư tưởng chống Mỹ Roh Moo-hyun, Seoul đã đề nghị quyền tự kiểm soát trong thời chiến đối với binh sĩ nước mình. Yêu cầu này đã được phía Mỹ thực hiện vào năm 1994. Quyết định của Washington xuất phát từ lý do vào thời điểm này nước Mỹ đang có mối quan tâm lớn hơn chính là khu vực Trung Đông. Mỹ cũng hứa hẹn trao thêm quyền tự phòng vệ cho đồng minh châu Á. Điển hình, hai nước đã ra tuyên bố rằng tới năm 2012, Mỹ sẽ từ bỏ "Quyền kiểm soát hoạt động thời chiến" (OpCon) đối với quân đội Hàn Quốc. Tuy nhiên, Seoul đã nhanh chóng thay đổi ý kiến. 

Năm 2010, trước sự việc tuyên bố giải trừ hạt nhân của Triều Tiên không đi tới đâu và tàu chiến Cheonan bị đánh chìm cướp đi sinh mạng của 46 thủy thủ Hàn Quốc, chính quyền Seoul đã đề nghị Washington hoãn kế hoạch chuyển giao OpCon. Do đó, thời hạn của OpCon đã được kéo dài sang năm 2015. Tuy nhiên hồi năm ngoái, Seoul lại một lần nữa đề nghị Mỹ rút khỏi OpCon.

Điều đáng nói, việc chuyển giao OpCon vốn đã là một điều nguy hiểm. Bởi sự phối hợp chỉ huy giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc là một nguyên tắc quân sự cơ bản do đó nếu phá vỡ OpCon, Seoul sẽ không thể ngăn chặn sự tấn công từ quốc gia láng giềng Triều Tiên. 

Câu hỏi đặt ra là liệu việc chuyển giao OpCon sẽ bị Hàn Quốc trì hoãn tới năm 2020 hoặc có thể là muộn hơn hoặc kế hoạch này sẽ mãi mãi không được thực hiện. Ngoài ra, việc Hàn Quốc hai lần trì hoãn kế hoạch chuyển giao OpCon đã cho thấy Seoul không dại gì tự "đứng mũi chịu sào". 

Một trong những điểm yếu trong công tác phối hợp hành động giữa các ban ngành quân sự hiện nay của Hàn Quốc đã được bộc lộ trong khâu cứu hộ các nạn nhân trong thảm họa chìm phà Sewol hồi tháng Tư. 

Ngoài ra, hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc cũng còn khá nhiều hạn chế bởi Seoul đã từ chối tích hợp các thiết bị cảm biến với hệ thống quốc phòng trong khu vực do Mỹ dẫn dắt. 

Tân Hoa Xã từng cảnh báo động thái này sẽ khiến Seoul "hy sinh những mối quan hệ đang phát triển nhanh chóng với Trung Quốc". Ngoài ra, hành động Hàn Quốc duy trì hệ thống quốc phòng độc lập không chỉ khiến an ninh của bản thân nước này mà cả khu vực sẽ bị đe dọa trước kho tên lửa ngày lớn mạnh của Triều Tiên. 

Mặc dù, hồi tháng Tư, Tổng thống Park Geun-hye đã có bài phát biểu về tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác hệ thống phòng thủ tên lửa với Tổng thống Obama, song hai nước vẫn chưa có những bước đi cụ thể để hiện thực hóa tuyên bố trên. 

Tuyên bố chung hồi tháng Tư còn nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ ba bên giữa Mỹ - Hàn - Nhật. Tuy nhiên, hiện nay, quan hệ giữa Seoul và Tokyo vẫn đang trong tình trạng đóng băng. Chính vấn đề này cũng đang cản trở mối quan hệ hợp tác phòng thủ tên lửa cũng như hoạt động chia sẻ thông tin tình báo và mở rộng nỗ lực ngăn chặn chủ nghĩa bá quyền trong khu vực của Trung Quốc. 

Do đó, quyết định của Washington về việc kéo dài cam kết OpCon với Hàn Quốc là cơ hội tăng cường các mối quan hệ đa phương và song phương. Trong khi, quan hệ hợp tác Mỹ - Hàn giúp đảm bảo an ninh trên bán đảo Triều Tiên thì cái bắt tay 3 bên giữa Mỹ - Hàn – Nhật lại là điều sống còn đối với nền hòa bình và thịnh vượng lâu dài tại khu vực Thái Bình Dương. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại