Hai cựu ngoại trưởng Anh bị lén ghi hình mặc cả “đổi tiền lấy ân huệ”

Vĩnh Nguyên |

Hai cựu ngoại trưởng Anh đã quyết định từ bỏ các chức vụ họ đang giữ trong đảng của họ cũng như trong quốc hội để chờ điều tra, sau khi cáo buộc mặc cả "đổi tiền lấy ân huệ" bung bét.

Hai cựu ngoại trưởng, ông Malcolm Rifkind, hiện là nghị sĩ đảng Bảo thủ, và Jack Straw nghị sĩ Công đảng, đã bị kênh truyền hình Channel 4’s Dispatches và tờ Daily Telegraph bí mật điều tra.

Phóng viên của 2 cơ quan báo chí này đã đóng vai nhân viên của một công ty Trung Quốc không có thật, bí mật ghi hình 2 cựu quan chức trong một cuộc mặc cả “đổi tiền lấy ân huệ”.

Ông Straw bị quay phim trong lúc ông đang kể ông đã hoạt động “ngoài tầm radar” như thế nào và đã sử dụng ảnh hưởng của ông để thay đổi luật của EU thay mặt công ty hàng hóa ED&F – công ty trả cho ông 60.000 bảng Anh mỗi năm.

Về việc trả tiền này, trong băng, ông Straw nói: “Quá đỗi bình thường, nếu tôi diễn thuyết hoặc gì đó, thì là 5.000 bảng mỗi ngày, đó là giá mà tôi đưa ra”.

Ông cũng nói rằng ông đã vận động bộ trưởng Văn phòng Nội các Francis Maude thay mặt cho công ty đồ gỗ văn phòng Senator International, giúp cho công ty này “leo các bậc thang”.

Còn Sir Malcolm bị ghi hình khi tuyên bố rằng, ông có thể sử dụng “sự tiếp cận hữu ích” với mỗi đại sứ Anh trên thế giới.

Ông nói: “Tôi tự tạo công ăn việc làm cho mình, vì thế không ai trả lương cho tôi. Tôi phải kiếm thu nhập cho mình”.

Ông nói rằng phí thông thường của ông cho nửa ngày làm việc là “trong khoảng 5.000 đến 8.000 bảng”.

Cả hai nghị sĩ đều phản pháo và nói rằng họ không làm gì sai trái. Ông Straw nói rằng ông đã rơi vào “một cái bẫy khôn khéo”, còn ông Malcolm nói những bình luận của ông trong băng video thật là “ngớ ngẩn”.  

Cả hai nghị sĩ đã đề nghị Ủy viên phụ trách tiêu chuẩn đạo đức của quốc hội điều tra họ.

Cả Sir Malcolm và ông Straw đều cho biết, họ đã yêu cầu bản copy của các phát ngôn của họ trong băng hình bí mật, song cả Channel 4 và Telegraph đều chưa cung cấp.

Ông Malcolm Rifkind tuyên bố từ chức chủ tịch Ủy ban Tình báo và An ninh Quốc hội.

Ngày 24.2, ông Malcom Rifkind tuyên bố cho biết, sẽ từ chức chủ tịch Ủy ban Tình báo và An ninh của quốc hội, tuy nhiên vẫn sẽ là thành viên trong ủy ban này, và ông cũng sẽ không ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa để lấy ghế nghị sĩ của đảng Bảo thủ.  

Ông nói rằng tranh cãi liên quan đến ông không liên quan tới Ủy ban, song ông không muốn hoạt động của ủy ban “bị phân tán hoặc ảnh hưởng”.

Sir Malcolm còn khẳng định ông “không có gì để xấu hổ”, và sẽ chiến đấu với những cáo buộc thiếu cơ sở nhằm vào ông.

Ông tuyên bố ông không nhận đề xuất gì từ công ty giả và còn quá sớm để thảo luận ý định của họ thực sự là gì.

Ông cũng đang nhận lương nghị sĩ 67.000 bảng Anh mỗi năm và việc ông nói với công ty rằng ông không nhận lương là điều “ngớ ngẩn”.

Trước đó, ông Jack Straw đã tự đình chỉ ghế nghị sĩ của ông trong Công đảng.  

Trả lời tờ Telegraph ngày 24.2, cựu ngoại trưởng Straw nói, ông tuân thủ tất cả mọi quy định, và các  cuộc thảo luận mang tính giả thuyết của ông chỉ liên quan đến vấn đề vào làm cho công ty sau tổng tuyển cử, khi ông đã định rời chính trường vào tháng Năm tới như ông đã công bố, chứ không phải khi ông vẫn giữ ghế nghị sĩ Công đảng.

Ông Straw cho biết, ông “hầu như chắc chắn” sẽ giữ vị trí điều hành tại công ty Senator International sau tháng Năm tới: “Dù sao tôi cũng đã ngẫu nhiên giúp họ trong 4 năm qua, tôi muốn nói là, tôi không lấy một xu nào từ việc đó”, và cuối cùng công ty đã đề xuất ông giữ ghế lãnh đạo trong công ty sau khi ông hết nhiệm kỳ trong quốc hội.

Tuy nhiên, ông thừa nhận lẽ ra nên trì hoãn thảo luận công việc mới cho tới sau ngày 7.5.

“Tôi đã luôn hành động phù hợp với quy định của quốc hội, liên quan đến việc công ty Senator International, cũng như trong mọi việc khác.

Tất cả những vấn đề này sẽ được xem xét bởi Cao ủy tiêu chuẩn quốc hội” – tuyên bố của ông Straw viết.

Các nghị sĩ Anh được phép làm thêm một công việc khác nếu nó phù hợp với quy định ứng xử, và họ phải kê khai lợi ích tài chính của họ, kể cả thu nhập ngoài lương nghị sĩ.

Nhưng họ bị cấm nhận tiền để phát biểu tại quốc hội, chất vấn, đưa ra các kiến nghị, dự luật hoặc sửa đổi luật hoặc thúc giục các đồng nghiệp và bộ trưởng làm như vậy.

Nhằm đẩy mạnh minh bạch, Chính phủ Anh đang trong quá trình thiết lập một hệ thống đòi hỏi các nhà vận động hành lang công bố danh sách khách hàng của họ cũng như các cuộc gặp với các bộ trưởng.

Sau khi bê bối của hai cựu quan chức bị phát giác, chủ tịch Công đảng Ed Miliband lên tiếng kêu gọi cấm các nghị sĩ làm nghề thứ hai.

Cựu Ngoại trưởng Jack Straw nói rằng, không chỉ ông, mà khoảng 200 nghị sĩ có các lợi ích kinh doanh, và với ông, mọi thứ ông kiếm được đều đã được kê khai.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã bày tỏ sự ủng hộ với ông Straw, nói rằng ông là “một điển hình cho một nghị sĩ, một người đại diện cử tri làm việc chăm chỉ”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại