Sau khi các nước đạt được các thỏa thuận để chốt lại Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) hôm 5/10, không khí hân hoan tràn ngập mọi nơi.
Sau 5 năm và 19 vòng đàm phán chính thức, hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử thực sự là lý do đáng để ăn mừng đối với 12 nước thành viên.
Sau khi TPP có hiệu lực là các thị trường rộng mở, các hàng rào thuế quan được giảm xuống hoặc thậm chí là dỡ bỏ.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các ngành ô tô, chăn nuôi gia súc, sản xuất bơ sữa và dược phẩm được cho là sẽ hưởng lợi từ TPP. Dẫu vậy họ sẽ phải đợi vài tháng, thậm chí là vài năm trước khi có thể cảm nhận rõ rệt những tác động mà TPP mang lại.
TPP phải được Quốc hội của tất cả 12 nước thông qua và ở một số nước quá trình này có rất nhiều bước phức tạp. Giới phân tích nhận định hầu hết các nước sẽ dễ dàng thông qua TPP, dù quá trình ở Mỹ và Canada sẽ phức tạp hơn do các cuộc bầu cử.
Bloomberg đưa ra lịch trình thông qua TPP ở các nước và những dự báo về kết quả:
Mỹ - Sự chia rẽ trong đảng Dân chủ gây nên tình trạng mơ hồ
Được Quốc hội Mỹ thông qua sẽ là bước tiến lớn có vai trò sống còn đối với TPP. Trưởng Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman cho biết các chi tiết của thỏa thuận sẽ được công bố rộng rãi vào đầu tháng 11, khởi động cho quá trình bỏ phiếu ở Quốc hội.
Tuy nhiên, vì thương mại sẽ là một vấn đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống 2016, chính quyền của Tổng thống Obama sẽ phải đợi đến tận cuối tháng 3 hoặc tháng 4 để trình lên Quốc hội, sau khi những vòng tranh luận trực tiếp của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ kết thúc.
Ứng viên nổi bật nhất của đảng Dân chủ là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã thay đổi hoàn toàn thái độ đối với TPP. Tuần trước bà tuyên bố không ủng hộ hiệp định này vì nó chưa đạt được những tiêu chuẩn khá cao mà đã đề ra.
Tổng thống Obama đang ráo riết xúc tiến TPP và hầu hết các nghị sĩ đảng Cộng hòa đều được kỳ vọng sẽ ủng hộ. Tuy nhiên, chính một số thành viên của đảng Dân chủ lại nói rằng Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ mà cựu Tổng thống Bill Clinton thông qua khiến Mỹ bị mất việc làm và do đó họ phản đối TPP.
Quá trình thông qua TPP cũng bị ảnh hưởng bởi các liên đoàn lao động. Dù đã tài trợ rất nhiều tiền cho đảng Dân chủ trong các cuộc đua ở Quốc hội, nhóm này mạnh mẽ lên tiếng phản đối TPP.
Sau khi ông Obama có được quyền đàm phán nhanh hồi tháng 6, Quốc hội Mỹ sẽ chỉ đưa ra câu trả lời có hay không thông qua TPP mà không có quyền sửa đổi.
Đây được coi là lực đẩy rất lớn cho hiệp định này, nhưng trong bối cảnh đảng Dân chủ bị chia rẽ như hiện nay, không thể đoán trước được điều gì.
Canada – TPP trở thành vấn đề quan trọng của cuộc bầu cử
Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 19/10 tới, TPP cũng trở thành một trong những chủ đề gây tranh cãi trong các chiến dịch tranh cử. Thủ tướng Canada Stephen Harper luôn lấy TPP làm dẫn chứng cho những thành tựu kinh tế mà Chính phủ của ông đạt được.
Trong khi đó đối thủ của ông Harper là người đứng đầu đảng Tự do Justin Trudeau khẳng định ông muốn hiểu rõ hơn về TPP trước khi quyết định có ủng hộ hiệp định này hay không.
Các thành viên của đảng cánh tả Dân chủ mới đã phát đi tín hiệu họ phản đối TPP.
Nhật Bản – TPP sẽ dễ dàng được thông qua với lực đẩy từ ông Abe
TPP phải được cả Thượng viện và Hạ viện Nhật Bản thông qua. Hiện nay quá trình thông qua TPP đang bị đứt quãng bởi Kỳ họp thông thường của Quốc hội Nhật Bản trong năm 2015 đã chấm dứt.
Để có thể thông qua hiệp định TPP trong năm 2015, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe có thể sẽ tính tới việc triệu tập kỳ họp Quốc hội đặc biệt hoặc phải đợi tới tháng 1 năm sau.
Một số người nhận định Quốc hội Nhật sẽ không bắt đầu tranh cãi về TPP trước khi cuộc bầu cử ở Hạ viện diễn ra, tức là phải lùi tới tận tháng 7/2016.
Liên minh của Thủ tướng Shinzo Abe đang áp đảo ở cả Thượng viện và Hạ viện. Do đó mặc dù có một số tiếng nói phản đối TPP, hiệp định này có thể dễ dàng được thông qua.
TPP được cho là sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu cho các công ty ô tô, đồng thời giúp ông Abe loại bỏ những rào cản trong quá trình cải cách ngành nông nghiệp. Đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài và mở rộng xuất khẩu vốn là những “mũi tên” chủ chốt trong chính sách kinh tế của ông Abe.
Australia – Chính phủ phải có được sự ủng hộ của đối thủ
TPP cũng cần được lưỡng viện Australia thông qua. Hết ngày hôm nay, nước này còn 4 tuần nữa để hành động ở Hạ viện và 3 tuần ở Thượng viện trước khi các nhà lập pháp ngừng đưa ra quyết định từ 3/12 tới tận tháng 2 năm sau.
Chính phủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull cần sự ủng hộ của các đảng đối thủ để TPP được thông qua ở Thượng viện. Đảng đối lập lớn nhất là đảng Lao động ALP đã tuyên bố rằng dù ủng hộ TPP họ vẫn phải hiểu rõ hơn về hiệp định này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.