Động cơ của việc Trung Quốc vu khống Việt Nam tại LHQ

Theo The Diplomat, Trung Quốc đang chơi một ván bài nguy hiểm bởi vì không có luật pháp quốc tế nào công nhận “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc.

Trung Quốc ngày 9/6 đệ trình lên Liên Hợp Quốc (LHQ) một văn bản liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981, trong đó vu khống Việt Nam một cách trắng trợn. Tờ The Diplomat (Nhật Bản) cho rằng sở dĩ Bắc Kinh có động thái này là vì lo ngại Việt Nam và các nước trong khu vực làm đơn kiện các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Theo bài báo, việc Trung Quốc quyết định đệ trình “bản tuyên cáo lập trường” ra LHQ cho thấy Bắc Kinh ngày càng quan ngại bị Việt Nam và các quốc gia láng giềng trong khu vực kiện ra tòa án quốc tế, dùng luật pháp quốc tế để phản đối những tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, nuốt trọn gần cả Biển Đông.

The Diplomat nhận định động thái trên của Trung Quốc là nhằm “quốc tế hóa” vấn đề chủ quyền lãnh thổ để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Với chiến lược này, Bắc Kinh định khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa với LHQ để ngăn cản Việt Nam và các nước láng giềng kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế.

Tuy nhiên, theo The Diplomat, Trung Quốc đang chơi một ván bài nguy hiểm bởi vì không có luật pháp quốc tế nào công nhận “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc.

Nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ Nhật Bản, Australia, Mỹ và các nước khác.

Theo đài Tiếng nói nước Nga, Học giả Nga Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, nhận xét: “Động thái hạ đặt giàn khoan đã dẫn tới sự chỉ trích dữ dội từ phía Việt Nam, Philippines. Một số quốc gia mạnh mẽ lên án Trung Quốc, một số tỏ ra kiềm chế nhưng cũng phê phán. Trong khi đó, ý kiến của ASEAN - một trong những đối tác thương mại và chính trị lớn nhất - có trọng lượng rất đáng kể đối với Trung Quốc. Cả ý kiến của cộng đồng quốc tế cũng vậy. Do đó, việc đệ trình công hàm tại LHQ chính là nỗ lực giải thích. Đó có thể là bước đầu tiên tiến tới mở đầu đàm phán một nội dung rất quan trọng. Những xung đột như vậy cần được giải quyết bằng đàm phán và sự nhượng bộ lẫn nhau”.

Ông Mosyakov cho rằng công hàm phản đối Việt Nam của Trung Quốc sẽ gây những phản ứng chống Trung Quốc trong các nước thành viên LHQ. Tuy thấy trước điều này, nhưng Bắc Kinh vẫn hy vọng đạt được mục tiêu khác.

Học giả Mosyakov nói tiếp: “Mỹ có khả năng đề xuất một nghị quyết lên án hoặc tiến hành một động thái nào đó. Nhưng vấn đề không chỉ nằm trong việc thông qua các tài liệu. Năm 2009, Trung Quốc cũng đưa ra đề nghị tại LHQ. Trung Quốc đã gửi tài liệu vạch đường ranh giới mới của nước này ở Biển Đông. Vùng lãnh thổ tranh chấp trên các bản đồ do Trung Quốc trình bày nhìn giống hình lưỡi bò. Tình hình dường như đang được lặp lại. Có lẽ, lần này Trung Quốc coi LHQ như một tổ chức sẽ hợp thức hóa việc họ hạ đặt giàn khoan trong vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Ý định này của Trung Quốc là hoàn toàn có thể”.

Theo đài Tiếng nói nước Nga, Công hàm chính thức gửi LHQ còn có thể cho thấy Trung Quốc chấp nhận khả năng leo thang và tìm cách xoa dịu trước những tác động tiêu cực tiềm năng do hành động của họ gây ra.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 9/6 dẫn phát biểu của Giáo sư Carl Thayer nêu rõ tại thực địa ở khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, số lượng tàu của Trung Quốc, bao gồm cả tàu hải giám, tàu cá và tàu quân sự, đều đông gấp nhiều lần so với số lượng tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam.

Hơn nữa, cho tới nay, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra được bằng chứng thuyết phục bằng hình ảnh về việc tàu Việt Nam tìm cách tấn công tàu của họ. Trong khi Việt Nam đã công bố các hình ảnh rõ ràng cho thấy tàu Trung Quốc hung hăng, liên tiếp va húc và đâm chìm tàu cá của Việt Nam.

Theo ông Thayer, các phát biểu vu khống của phía Trung Quốc là cách thức điển hình mà Bắc Kinh thường sử dụng để lật ngược sự thật.

Về thông cáo ngày 9/6 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Giáo sư Thayer cũng cho rằng Bắc kinh đã cho thấy rõ sự mâu thuẫn của mình khi một mặt tuyên bố các giải pháp cho tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Động là cần dựa theo luật pháp quốc tế, trong khi mặt khác lại đồng thời khẳng định sẽ không lùi bước và không áp dụng bất cử giải pháp nào được nêu ra.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại