1986 và 1991
… Điệp viên Aldrich Hazen Ames hai lần bị đấu trí với cơ quan điều tra Mỹ với trang bị tối tân, và cả hai lần, chiến thắng đều không thuộc về siêu kỹ nghệ tìm sự thật mang tên Polygraph, được biết đến nhiều hơn với danh hiệu “Máy (phát hiện) nói dối”.
CIA tiếp tục sử dụng Ames. Mãi đến 1994 FBI mới lần ra manh mối nhờ điểm yếu của Ames: ở mức lương tháng 5.000 USD mà thẻ tín dụng của Ames chi 30.000 trong cùng thời gian.
Khó có thể hình dung ra cuộc khủng hoảng mà CIA rơi vào, và một lần nữa máy phát hiện nói dối mất gần hết hào quang.
Tuy nhiên, không ai bận tâm chuyện đó.
Mặc dù máy nói dối đã nhiều lần cho kết quả sai, và mặc dù thế kỷ 21 chưa đưa ra phép trắc nghiệm tâm lý nào đáng tin hơn để phát hiện khai man - không ai chịu từ bỏ niềm tin ngây thơ rằng có thể dùng biện pháp cơ học để đong đếm cảm xúc của con người.
Ngay từ thế kỷ 19 các nhà khoa học toàn cầu đã bắt đầu nghiên cứu phương pháp dựa vào các phản ứng cơ học của cơ thể để vạch mặt kẻ nói dối.
Ví dụ như Cesare Lombroso, bác sĩ thuộc cơ quan điều tra ở Torino (Ý), bắt nghi can đeo găng tay cảm ứng khi thẩm vấn để ghi lại mức dao động của huyết áp; chuyên gia tâm lý Thụy Sĩ Carl Gustav Jung thì đo điện trở của da, vốn giảm hẳn khi nhân chứng toát mồ hôi do bị kích động mạnh.
Tại Harvard, nhà nghiên cứu Đức gốc Do Thái Hugo Muensterberg lập hẳn một phòng thí nghiệm tâm lý: “Ta phải nối con người với một máy đo để xem trong tâm tính người đó nhiều mây hay nhiều nắng hơn!”.
Cuối cùng thì năm 1921, các nhà khoa học tin là đã cán đích: John Augustus Larson, một nhà sinh lý học trong biên chế cảnh sát, dựa trên máy đo do William Moulton Marston thiết kế để chế ra cái mà hôm nay ta quen gọi là máy nói dối.
Thử nghiệm đầu tiên
… Có thể được gọi là “thành công rực rỡ”, khi Larson dùng máy trong vụ một số nữ sinh viên ở Berkeley kêu mất cắp quần áo, trang sức và tiền.
Thực ra Larson không tìm được thủ phạm, song anh đã tan nát trái tim bởi một trong những nữ nạn nhân mà anh… hỏi cung.
Đỏ tình thì đen bạc: hạnh phúc bất ngờ ấy khiến Larson, cảnh sát đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ có bằng tiến sĩ, mụ mị quên cả công việc và không kiếm được xu nào. Trợ lý của anh, Leonarde Keeler, nhanh chân đăng ký bằng sáng chế.
Máy nói dối của Keeler không phân biệt được thật giả trong lời khai của nghi can, nó chỉ thông qua các đầu cảm ứng để ghi lại mọi chỉ số như huyết áp, nhịp tim, hơi thở và điện trở của da - những đại lượng luôn biến đổi một cách vô thức khi nghi can nói dối và qua đó rơi vào tình trạng bị kích động.
August Vollmer, Giám đốc cảnh sát vùng Berkeley, tuy không tin tưởng lắm vào “một đống dây nhợ, bóng đèn và vỏ đồ hộp cà chua” nhưng hy vọng cải thiện thực tế thẩm vấn đầy bạo lực của cảnh sát dưới quyền, thậm chí còn mong sẽ giảm trừ số vụ tham nhũng.
“Nhờ máy nói dối mà tất cả sẽ đổi khác”, Keeler ba hoa, “75% tội phạm sẽ thú nhận ngay từ đầu”.
Trong một phiên tòa ngày 8/2/1935, bồi thẩm đoàn nhất trí kết án hai kẻ tình nghi cướp một hiệu thuốc ở Wisconsin.
“Trước tòa, máy nói dối có giá trị như dấu vân tay”, Keeler tuyên bố trước báo giới. Keeler không chỉ muốn hỗ trợ bộ máy tư pháp, mà còn chăm chỉ và cũng rất thành công khi tìm cách áp dụng phát minh của mình trong quân đội và giới kinh tế.
Đơn đặt hàng từ các chủ doanh nghiệp, cơ quan hành chính và bên tình báo bay đến tới tấp. Keeler lập ra hẳn một viện đào tạo các chuyên gia sử dụng máy nói dối.
Năm 1946, Keeler dùng máy đó thử các nhân viên của một cơ quan nghiên cứu và áp dụng năng lượng nguyên tử ở Tennessee.
Hai năm sau, Giám đốc CIA Roscoe Hillenkoetter bắt đầu dùng máy này khi phỏng vấn tuyển dụng.
Hoa Kỳ quảng cáo phát minh của Keeler
… Như sự bảo đảm cho an ninh quốc gia, vì nó còn có công dụng đe dọa và áp đảo khi lấy cung.
Khó có ai nói rõ điều này hơn cố Tổng thống Richard Nixon: “Tôi chẳng biết gì về máy nói dối, cũng không biết nó có chính xác không, nhưng tôi biết là nó làm người ta sợ vãi ra quần”.
Nhưng mặt trái của nó cũng dần lộ rõ. Vì ai hiểu rõ cơ chế của nó và có thần kinh vững thì cũng dễ dàng chế ngự được phản ứng cơ thể và làm nhiễu máy.
Người ta cũng có thể ngụy tạo các chỉ số như hơi thở, nhịp tim bằng cách hình dung ra tình thế nguy hiểm, hoặc hạn chế mồ hôi nhờ bôi sơn móng tay không màu lên đầu ngón...
Đầu thập niên 1980, nhà tâm lý học Mỹ David Lykken tiến hành một loạt thử nghiệm và cho thấy chỉ khoảng 53% người vô tội được máy nói dối xác nhận là… vô tội.
Nhưng các bằng chứng mang tính hàn lâm không ngăn nổi tính mê tín ngu muội vào kỹ nghệ. Một cuộc thăm dò vào năm 1984 cho thấy một phần ba các công ty lớn ở Mỹ vẫn thẩm định nhân viên bằng cách này.
Bất kể trong điều tra an ninh hay kiểm tra nội bộ công ty, mỗi năm có đến 2 triệu công dân Mỹ chịu sự hành hạ này, như nhà sử học Alder phỏng đoán.
Mãi đến năm 1988, Hoa Kỳ mới cấm sử dụng máy cho mục đích tư nhân. Trước đó nó đã bị loại khỏi các phiên thẩm vấn trước tòa.
Leonarde Keeler may mắn không biết đến kết cục buồn thảm ấy. Nhà phát minh máy nói dối đã sớm qua đời vì một sự dối trá rất riêng tư: tình yêu lớn của ông ta đã cho ông mọc sừng.
Cay đắng, tinh thần kiệt quệ và ốm yếu vì rượu, Keeler lìa đời sau một cơn đột quỵ, khi mới 49 tuổi.