Mục đích thực sự đằng sau chuyến thăm Iran của ông Shoigu
Các nguồn tin của Debka tiết lộ, tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phải vắt óc tìm cách giải quyết một vấn đề phát sinh từ chính đồng minh, Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Theo đó, ông Assad cương quyết không nhất trí với cách dàn xếp của Moscow để lặp lại hòa bình tại Syria, vốn đã được Nhóm Hỗ trợ Syria gồm 17 thành viên thông qua trong cuộc họp tuần trước tại Munich (Đức).
Trong chuyến công du tới thủ đô Amman (Jordan) hôm 21/2 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã than phiền về tiến độ của việc áp đặt lệnh ngừng bắn tại Syria, đồng thời chỉ trích phe nổi dậy làm chậm tiến trình.
Ủy ban Đàm phán Cấp cao của phe nổi dậy đòi hỏi quân đội chính phủ chấm dứt bao vây, đòi hỏi Nga ngừng công kích, và đòi hỏi các bên đàm phán bổ sung Mặt trận al-Nusra vào danh sách được lệnh ngừng bắn bảo vệ.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin của Debka, người đang gây cản trở lớn nhất cho tiến trình hòa đàm không phải ai khác mà chính là Assad.
Cụ thể, khi ông Putin phát hiện ra rằng Assad đã "đi đêm" thành công với Iran, Tổng thống Nga đã lập tức điều Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tới Tehran ngay trong ngày 21/2, qua đó gửi thông điệp tới Tổng thống Iran Hassan Rouhani.
Tại Tehran, ông Shoigu đã trình bày cho ông Rouhani những gì không quân Nga đã làm để góp phần giúp liên minh 3 nước thay đổi cục diện chiến trường Syria, đồng thời khẳng định một giải pháp chính trị hiện nay sẽ nâng tầm ảnh hưởng của Nga và cả Iran tại khu vực lên mức cao nhất.
Với ông Shoigu, phải chăng thỏa thuận liên quan đến thương vụ S-300 chỉ là vỏ bọc cho mục đích thực sự của chuyến thăm Iran mới đây? Ảnh: TASS
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng nhấn mạnh, rằng ở giai đoạn cuối của tiến trình, ông Assad sẽ buộc phải từ chức. Đây là chi tiết đã được ông Putin đồng thuận với người đồng cấp Barack Obama từ trước, để các bên có thể giải quyết ổn thỏa nội chiến Syria.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào tuyên bố của ông Rouhani sau đó, có thể thấy chuyến đi của ông Shoigu đã "công dã tràng".
"Cuộc khủng hoảng tại Syria chỉ có thể được giải quyết bằng đàm phán chính trị, tôn trọng quyền của chính phủ và người dân Syria, những người sẽ đưa ra quyết định cuối cùng cho tương lai đất nước" - Tổng thống Iran phát biểu.
Với Moscow, điều này đồng nghĩa với việc Tehran không đồng thuận với chi tiết loại bỏ Assad. Và ít nhất cho tới thời điểm này, chuyến "đi sứ" của ông Shoigu chưa thể hàn gắn mâu thuẫn đang có giữa Nga với Iran và Assad.
Iran/Assad quyết không nghe theo dàn xếp của Nga
Lúc này, dù tất cả các bên liên quan đều nhất trí rằng cuộc nội chiến phải được giải quyết bằng biện pháp chính trị, nhưng cụ thể biện pháp chính trị là gì thì vẫn gây tranh cãi.
Theo Debka, sau đợt không kích tăng cường trong thời gian qua, phía Nga đang hướng tới giai đoạn tiếp theo, trong đó họ sẽ giảm quy mô và cường độ các hoạt động quân sự tại Syria, để tập trung vào các nỗ lực dàn xếp ngoại giao.
Trong khi đó, chính phủ Syria và các lãnh đạo Iran vẫn chưa có ý định từ bỏ biện pháp quân sự.
Moscow muốn Assad "xuống nước" để mở đường áp đặt một lệnh ngừng bắn, và sau đó lập một chính phủ mới tại Damascus trong đó phe nổi dậy có đại diện tại quốc hội. Sau thời gian chuyển giao, ông Assad sẽ "lui về hậu trường" và nhường lại quyền lực.
Tuy nhiên, chính phủ Damascus và Tehran luôn một mực phản đối việc thiết lập một chính phủ chuyển giao, hay thậm chí bất kì một động thái chính trị nào, chừng nào các lực lượng nổi dậy còn chưa bị đánh bại hoàn toàn trên cả hai chiến trường bắc nam.
Đang tiến quân thần tốc, Assad không có lý do gì phải dừng lại vì một giải pháp chính trị. Ảnh: AP
Theo Debka, cả Assad lẫn lãnh đạo Iran đều không cho thấy dấu hiệu sẽ nhún nhường, và kể cả có thừa nhận rằng những bước tiến quân sự đạt được trong tháng qua có công lớn của Nga, thì họ cũng sẽ không tuân theo đường đi nước bước do Moscow vạch sẵn.
Trang tin này phân tích, Assad và Iran thừa hiểu rằng họ "ngang" được như vậy bởi họ biết rõ, Nga không thể cứ thế cắt hỗ trợ quân sự để gây sức ép.
Cũng dễ hiểu, bởi với căn cứ không quân ở Hmeinim, căn cứ hải quân tại Tartus, cùng quá nhiều mục tiêu còn dang dở tại Syria, rõ ràng ông Putin có quá nhiều thứ để mất, và đương nhiên sẽ không thể dùng lời đe dọa rút quân làm đòn bẩy thuyết phục Assad và Iran.