Dằn vặt vì chiến tranh Việt Nam, ông trùm CIA chọn cái chết thảm?

Đức Huy |

Lật lại hồ sơ vụ án cái chết bí ẩn và đầy uẩn khúc của cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Colby.

Bài viết dưới đây được tổng hợp từ PythiaPress, nơi lưu trữ hồ sơ nhiều vụ án bí ẩn trong nội bộ Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, cùng một số thông tin từ tạp chí Vanity Fair, National Enquirer, và trang The Huffington Post.

Thứ bảy ngày 27/4/1996, như mọi dịp cuối tuần khác, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Colby xả hơi tại nhà riêng thuộc Đảo Cobb, bang Maryland. Ông dành cả ngày hôm đó sửa sang lại chiếc thuyền buồm của mình để đón mùa hè sắp đến.

Đó cũng là lần cuối người ta nhìn thấy người đàn ông 78 tuổi này.

9 ngày sau, xác ông được tìm thấy trên mặt sông Wicomo gần nhà.

Chỉ là một tai nạn?

Do vụ việc xảy ra khi không có nhân chứng và xác được tìm thấy quá muộn, rất khó để xác định được chính xác nguyên nhân cái chết của Colby. Lúc đó, kết luận chính thức được đưa ra là "chết đuối và hạ thân nhiệt đột ngột có liên quan đến bệnh tim".

Cụ thể, các điều tra viên cho rằng một cơn đột quỵ hoặc đau tim xảy ra khi ông đang chèo thuyền đã khiến cựu giám đốc CIA rơi xuống nước và chết đuối.

Bờ sông nơi xác William Colby được tìm thấy. Phía xa bên phải là nhà ông.
Bờ sông nơi xác William Colby được tìm thấy. Phía xa bên phải là nhà ông.

Kết luận này không phải là không có cơ sở, vì theo như bệnh án của Colby, ông đã có nhiều năm chiến đấu với bệnh tim. Ngoài ra, xác của ông được tìm thấy ở tình trạng chân không đi giày, dấu hiệu của việc vùng vẫy đạp nước khi rơi khỏi thuyền.

Tuy nhiên, vì bản chất của vụ án không có bằng chứng hoặc nhân chứng cụ thể, cái chết của William Colby vẫn là một ẩn số được bàn tán nhiều không chỉ trong giới tình báo mà còn cả trên khắp nước Mỹ nói chung.

Kẻ thù khắp nơi

Theo nhận xét của nhà báo/điệp viên Zalin Grant, người từng là đồng nghiệp lâu năm của Colby tại CIA và cũng là một người bạn, Colby là một người "lịch thiệp, dễ tiếp cận, tuy nhiên không có khiếu hài hước và thiếu khả năng nhìn nhận bản thân".

"Colby cũng là một người tương đối rụt rè. Nhưng ông rất mạnh mẽ và một khi đã quyết tâm làm gì thì sẽ làm cho bằng được", Grant kể lại.

Tính cách và đặc thù công việc khiến Colby luôn trong tình trạng "bạn ít, thù nhiều".

Tháng 3/1973, Colby được Tổng thống Mỹ Richard Nixon bổ nhiệm làm Giám đốc CIA. Trong vai trò mới, ông đã tiến hành một cuộc cải tổ mang tính cách mạng cho cơ quan này.

Nổi bật trong đó là việc Colby cho công bố nhiều thông tin bí mật liên quan đến các chiến dịch mờ ám ở ngoài nước Mỹ của CIA, những bí mật được giới tình báo ví như những viên "ngọc quý của gia đình CIA".

Dù được thực hiện trong các phiên điều trần trước Thượng viện, việc tiết lộ bí mật của CIA đã biến Colby trở thành một "kẻ phản bội" trong mắt các thành viên lâu năm của cơ quan này.

Không những thế, ông còn tự biến mình thành kẻ thù không đội trời chung của một số nhân vật có thế lực trong ban lãnh đạo CIA. Đáng chú ý hơn cả là James Angleton, trùm phản gián khét tiếng của Mỹ trong cuộc đối đầu với Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa.

Colby từng công khai chỉ trích Angleton là một kẻ hoang tưởng do liên tiếp cáo buộc CIA đã bị các điệp viên KGB của Liên Xô trà trộn. Sự thù hận này lên đến đỉnh điểm với việc Colby cách chức Angleton khỏi vị trí trưởng bộ phận phản gián của CIA năm 1974.

Hậu quả là Colby đã phải trả giá bằng chính sự nghiệp của mình. Năm 1975, theo lời xúi giục của cố vấn Henry Kissinger, người luôn cho rằng Colby là mối hiểm họa chính trị đối với chính quyền Mỹ, Tổng thống Gerald Ford đã sa thải Colby.

William Colby trong phiên điều trần trước Quốc hội về sự thật những hành tung của CIA. Ảnh: Google Images

William Colby trong phiên điều trần trước Quốc hội về sự thật những hành tung của CIA. Ảnh: Google Images

Kể cả sau khi đã ra khỏi ngành, Colby vẫn tiếp tục làm giới cầm quyền Mỹ phải “nóng mặt” với nhiều tiết lộ chấn động về hành tung của CIA qua những cuốn sách như Honorable Men (tạm dịch: Những con người vẻ vang) hay Lost Victory (Tuột mất chiến thắng).

Vợ ông, bà Sally Shelton, cũng cho biết trước khi qua đời, Colby đang trong quá trình hoàn thành bản thảo cho một cuốn sách mới của mình, và không loại trừ khả năng cuốn sách này ẩn chứa những thông tin tuyệt mật có thể khiến CIA chao đảo.

Nói cách khác, không thiếu những động cơ có thể dẫn đến việc Colby bị trừ khử. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có manh mối hay bằng chứng cụ thể nào chứng minh được cho suy đoán này.

Tự tìm đến cái chết?

Mọi hướng điều tra đều dẫn tới ngõ cụt vì thiếu chứng cứ. Khi tưởng chừng vụ án sẽ đi vào quên lãng, thì bất ngờ, sự xuất hiện của một thành viên gia đình Colby đã mang đến một tình tiết mới.

Trong bộ phim tài liệu do chính mình đạo diễn có tựa đề The Man Nobody Knew (tạm dịch: Người Đàn ông Bí ẩn), Carl Colby, con trai William Colby đã hé lộ nhiều thông tin chưa từng được công bố về cuộc đời cha mình, trong đó có một chi tiết gây nhiều tranh cãi:

William Colby đã tự tử.

Trong phim, người đạo diễn này mô tả cha mình là một người thẳng thắn, đồng thời cho rằng cái chết của ông là hệ quả của những năm tháng dằn vặt do những tội ác mà ông gây ra khi còn làm tình báo tại Việt Nam.

Sau gần một thập kỉ làm việc cho CIA, năm 1959, Colby được bổ nhiệm làm Trưởng chi nhánh CIA tại Sài Gòn. Trong 8 năm hoạt động tại miền Nam Việt Nam, Colby được biết đến với tư cách người đứng sau chiến dịch tàn bạo mang tên Phoenix (Phượng Hoàng).

Với mục đích loại bỏ những thành phần bị tình nghi "ủng hộ Việt cộng", Phoenix đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn thường dân. Là người chỉ huy chiến dịch, Colby đã bị các nhà hoạt động hòa bình trên thế giới coi là tội phạm chiến tranh.

Ngoài sự nghiệp đầy sóng gió, Carl Colby cũng cho rằng cha ông đã phải chịu một cú sốc tinh thần lớn từ cái chết của cô con gái Catherine, người qua đời ở tuổi 24 vì chứng động kinh.

"Khi Catherine còn sống, cha tôi không bao giờ ở bên cạnh chăm sóc cho em. 2 tuần trước khi chết, ông đã gọi cho tôi để tìm kiếm một sự giải thoát khỏi những dằn vặt trước những gì ông đã không làm được trong vai trò người cha," Carl Colby kể lại với Vanity Fair.

Tuy nhiên, giả thuyết cha mình tự tử lại không được chính các thành viên khác trong gia đình Carl Colby đồng tình.

Ảnh chụp gia đình William Colby. Từ trái sang: con gái Catherine, vợ Barbara, William Colby, hai con trai Jonathan và Carl.
Ảnh chụp gia đình William Colby. Từ trái sang: con gái Catherine, vợ Barbara, William Colby, hai con trai Jonathan và Carl.

"Tôi tôn trọng bộ phim của anh mình. Nhưng việc cha tôi tự tử là không chính xác. Tôi nghĩ tốt nhất chúng ta nên tin vào bản báo cáo chính thức của điều tra viên", người em trai Jonathan Colby phát biểu với Huffington Post.

Cho đến nay vẫn chưa có một bằng chứng nào có thể giúp khẳng định rõ ràng nguyên nhân cái chết của ông "trùm" tình báo một thời này.

Cảnh sát trưởng hạt Rock Point, ông Fred Davis, người trực tiếp chỉ đạo điều tra cái chết của William Colby và cũng chính là điều tra viên đưa ra kết luận tai nạn, cũng phải thừa nhận đây vẫn là một vụ án mở.

Gần 20 năm sau khi xác ông được tìm thấy trên sông Wicomo, nguyên nhân cái chết của cựu giám đốc CIA vẫn là một bài toán chưa có lời giải.

Tương tự như cái cuộc đời đầy bí ẩn của ông vậy.

William Egan Colby sinh ngày 4/1/1920 tại thành phố St. Paul, bang Minnesota. Sự nghiệp tình báo của ông bắt đầu từ năm 1941, khi ông nhập ngũ trong vai trò biệt kích của Cục Chiến dịch Đặc biệt Mỹ (OSS) tại Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Sau chiến tranh, Colby tốt nghiệp Đại học Luật Columbia danh tiếng và bắt đầu hành nghề luật sư tại New York và Washington. Năm 1950, sự nghiệp ông bước sang trang mới với việc gia nhập hàng ngũ Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Mọi biến cố trong cuộc đời Colby cũng đều xuất phát từ đây.

Ông có 5 người con với người vợ trước là bà Barbara Heinzen. Sau khi hai người ly dị năm 1984, ông tái hôn với bà Sally Shelton, nguyên Đại sứ Mỹ tại Cộng hòa Dominica.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại