Cuộc kiếm tìm quê hương của một 'trẻ lạc' năm 1975

My Lan |

(Soha.vn) - "Tôi bỗng có cảm giác quen thuộc sau vài ngày ở Việt Nam. Đó là một cảm giác kì lạ và khó lí giải. Tôi cảm thấy mình là một phần của xã hội này và hoàn toàn được chấp nhận”.

Lo sợ rằng con của các binh lính Mỹ sẽ phải trải qua cuộc sống khó khăn sau khi Sài Gòn được giải phóng, hai miền Nam Bắc thống nhất, Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã yêu cầu đưa 2.000 trẻ lạc chiến tranh này rời khỏi Việt Nam. Trong số đó, Vikki cùng 98 đứa trẻ khác được đưa tới Anh.

Chạy trốn quá khứ

Viktoria Cowley (Vikki), nhân viên rải băng tại Sở Cảnh sát Sussex, hiện đang sống ở Eastshire (Anh), được đưa ra khỏi Việt Nam bằng máy bay trong chiến dịch Không vận vào tháng 4/1975 khi chưa đầy 2 tuổi.

Vikki được gia đình người Anh Jennifer – Douglas Cowley nhận làm con nuôi và chính thức mang họ Cowley vào tháng 6/1/1976. Ông Douglas cũng từng làm việc ở Việt Nam vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến.


	Bức ảnh chụp Vikki cùng hai đứa trẻ khác trên máy bay sang Anh đã được đăng tải trên báo chí Anh từ năm 1975.

Bức ảnh chụp Vikki cùng hai đứa trẻ khác trên máy bay sang Anh đã được đăng tải trên báo chí Anh từ năm 1975.

Sống tại trại trẻ mồ côi từ khi còn quá nhỏ, Vikki không biết tên cha mẹ mình, không biết chính xác tên thật của mình và cũng chỉ áng chừng rằng mình 40 tuổi. Thế nhưng, trong suốt một thời gian rất dài, Vikki không hề muốn biết về quá khứ vì lo sợ rằng nó có thể khiến cô đau đớn và khó có thể vượt qua.

"Khi còn nhỏ, trong một bữa tối Chủ nhật, bố mẹ kể cho tôi nghe rằng tôi được nhận nuôi. Điều duy nhất tôi từng muốn nghe là tôi đã đặc biệt thế nào và bố đã chọn tôi ra sao trong số từng ấy đứa trẻ".

"Trong ngày đầu đi học cấp 2, bài học lịch sử đầu tiên của tôi là về chiến tranh Việt Nam. Nó tàn nhẫn như thế nào? Tôi thực sự không muốn biết gì cả”.

"Tôi hài lòng với cuộc sống của mình và từng nghĩ rằng việc đi kiếm tìm câu trả lời (về quá khứ của mình) sẽ là một việc chẳng có kết quả gì. Tôi bị khủng hoảng về thân phận - thực tế rằng tôi không được yêu thương, rằng không ai cần tôi".

"Cuộc sống ở một đất nước không được biết tới, nói thứ ngôn ngữ mà tôi không hiểu và không được bảo vệ an toàn thật là kinh khủng - suy nghĩ này đã ám ảnh sâu trong tâm trí tôi tới mức nó hình thành nên bức tường chắn, ngăn không cho tôi tò mò về bất cứ điều gì xảy ra trước khi tôi sống ở Anh. Suy nghĩ này đã ngăn tôi tìm hiểu về một nền văn hóa mà vẫn còn liên quan tới tôi, hoặc có thể là đang dần lớn lên bên trong tôi".

Mảnh ghép cuộc đời bị thất lạc

Năm 2009, sự thôi thúc mà chính Vikki cũng không thể giải thích được đã khiến cô bắt đầu cuộc tìm kiếm và gặp gỡ những người đã cùng đi với mình trong chuyến bay định mệnh đó.

"Tôi cảm thấy gần gũi với những người có suy nghĩ và cách nhìn giống với tôi, nhưng cũng cảm thấy lạc lõng khi biết rằng tôi không biết gì về đất nước mình, về nền văn hóa của mình và tôi dường như là đứa trẻ duy nhất chưa từng quay về Việt Nam".


	Vikki (trái) và Chris Law, một trong số những đứa trẻ từng được đưa tới Anh trên chuyến bay định mệnh năm 1975.

Vikki (trái) và Chris Law, một trong số những đứa trẻ từng được đưa tới Anh trên chuyến bay định mệnh năm 1975.

Vikki đã đăng tải bức ảnh trên trang bìa tờ Daily Mail, chụp cô đang ngủ giữa hai đứa trẻ khác lên mạng internet. Chỉ vài ngày sau đó, cô đã nhận được liên lạc của Lê Thanh, chuyên viên tư vấn IT tại Wales, đứa trẻ bên trái. Sau đó, Vikki cũng đã tìm được đứa trẻ còn lại trong bức ảnh - Chris Law, chỉ sống cách cô vài dặm.

"Càng tìm được nhiều người, tôi càng muốn biết về nơi tôi đã từ đó tới và vì sao lại vậy". Cuối cùng Vikki quyết định trở về Việt Nam trong những ngày đầu năm 2010.

"Tôi đã hi vọng rằng tôi cảm thấy như được trở về nhà ngay khi bước chân xuống máy bay, nhưng không… Rồi tôi tỉnh dậy vào một buổi sáng ở Việt Nam, một cảm xúc rất kì lạ - cảm giác yên bình - như thế là mảnh ghép của cuộc đời tôi, thứ bị thất lạc, đã trở về đúng vị trí".


	Bức ảnh chụp Vikki tại trải trẻ mồ côi Lam Hy Ni.

Bức ảnh chụp Vikki tại trải trẻ mồ côi Lam Hy Ni.

Khi Vikki tới trại trẻ mồ côi nơi cô bị bỏ lại thì nó đã trở thành trường tiểu học. May mắn là cuối cùng, Vikki cũng tìm được một vài nữ tu đã làm việc ở đó, và một trong số họ vẫn nhớ cô.

"Bà ấy kể lại rằng mẹ tôi - một bà mẹ đơn thân - đã để tôi ở lại trại trẻ mồ côi và rằng bà ấy tầm 30 tuổi. Khi đó bà ấy đang ở trong tình trạng tuyệt vọng và không thể giữ tôi bên cạnh".

“Tôi rất biết ơn mẹ đẻ của mình. Bà ấy đã đặt tôi vào một nơi an toàn, nơi tôi có cơ hội được sống cuộc đời của mình với một gia đình hết mực yêu thương tôi. Tôi không cầu mong điều gì hơn nữa... Điều hối tiếc của tôi là tôi đã bắt đầu tìm kiếm quá khứ của mình quá muộn”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại