Oleg Zubkov là một trong những người ủng hộ nhiệt thành việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, đến mức ông nói ông sẵn sàng thả sư tử tấn công những thành phần theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan nếu chúng có ý định xâm nhập vào bán đảo này.
Là doanh nhân sở hữu hai sở thú lớn nhất Crimea, ông Zubkov có một chú hổ đặt tên là Referendum (tạm dịch là Tuyển cử). Nó sinh ra đúng vào ngày 16/03/2014, ngày mà người dân Crimea bỏ phiếu bày tỏ mong muốn quay về với Nga.
Tuy nhiên, 2 năm sau, khi chú hổ đã lớn, ông Zubkov vẫn có nhiều điều không hài lòng về chính quyền của Nga tại Crimea.
Tại một trong những sở thú mà ông buộc phải đóng cửa, ông Zubkov cho biết: “Khi người Ukraine cầm quyền, tình hình ở đây rất xấu nhưng ngay cả khi chính quyền Nga được thiết lập, mọi chuyện vẫn không khá hơn.
Những lệnh cấm, tình trạng tham nhũng khiến chúng tôi gần như không thể an tâm kinh doanh”. Ông đã viết thư gửi Tổng thống Nga Vladimir Putin với hi vọng ông sẽ can thiệp vào hoạt động của chính quyền Crimea.
Câu chuyện của ông Zubkov cho thấy suy nghĩ chung của người dân Crimea. Rất ít người ủng hộ việc sáp nhập vào Nga có mong muốn quay trở lại như trước kia, nhưng họ cũng nhận ra rằng chính quyền Nga vẫn chưa giải quyết những vấn đề đã tồn tại từ lâu.
“Crimea phải được nhiều hơn những gì đã nhận được trong vòng 2 năm qua”, ông Leonid Grach, cựu quan chức phụ trách bán đảo này vào thời Liên Xô cho biết.
Ông cho biết ông đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong những ngày đầu sau khi Crimea sáp nhập vào Nga và được chính phủ Moscow đề nghị giữ chức thống đốc, nhưng sau cùng họ lại chọn hai ông Sergei Aksyonov và Vladimir Konstantinov lên đứng đầu Crimea.
Ông Aksyonov đã trải qua một khoảng thời gian khó khăn. Crimea đã phải hứng chịu hậu quả của lệnh cấm vận của phương Tây và trong những tháng qua phía Ukraine cũng áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế.
Sau khi một số phần tử cực đoan Ukraine đã gài mìn phá hoại mạng lưới cung cấp điện tới Crimea, toàn khu vực chìm trong bóng tối. Người dân phải sinh hoạt bằng ánh nến, các nhà máy buộc phải đóng cửa và đèn giao thông không hoạt động trong những ngày đầu.
Theo bà Svetlana Borodulina, trưởng văn phòng Bộ Năng lượng ở Crimea, tình hình đang dần trở lại bình thường, tuy nhiên khả năng sản xuất của khu vực vẫn còn thấp và Crimea sẽ chưa thể có nguồn điện riêng của mình cho đến khi hai nhà máy điện đi vào hoạt động vào năm 2018.
Crimea vẫn đang trong tình trang khẩn cấp và người dân vẫn phải chịu không có điện trong vài giờ mỗi ngày. Các nhà máy không thể hoạt động 24/24 và đã chuyển sang hoạt động theo ca.
Bà Borodulina cho biết chính quyền đã phản ứng rất nhanh và các quan chức có lúc đã phải làm việc đến 3 giờ sáng để đảm bảo các cơ sở quan trọng như bệnh viện vẫn có điện để hoạt động.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra không hài lòng, còn ông Aksyonov đã chỉ trích những quan chức cấp dưới trong một cuộc họp khi có người đã đi nghỉ trong lúc bán đảo đang nguy cấp.
Tại thành phố Sevastopol, nhà của Hạm đội Biển đen của Nga, nội bộ chính quyền đang có những bất đồng ngiêm trọng.
Ông Alexei Chaly, một doanh nhân thân Nga và được coi là người góp công lớn giúp Crimea sáp nhập vào Nga, đã lên tiếng chỉ trích người đứng đầu thành phố là ông Sergei Menyailo, người được điện Kremlin bổ nhiệm.
Những người thân cận với ông Chaly cho biết ông từ chối đề nghị làm thống đốc Sevastopol sau khi sáp nhập bởi ông này muốn để những chính trị gia có năng lực làm lãnh đạo, tuy nhiên khi thấy tình hình vẫn không được cải thiện, ông đổi ý và tham gia vào chính quyền địa phương.
Kể từ khi nhậm chức, ông Chaly luôn bất hòa với ông Menyailo. Hiện ông Chaly đang có mặt tại Moscow để hội đàm với các quan chức cấp cao, thuyết phục họ bãi chức Menyailo.
Trong khi đó, nhiều người ủng hộ Ukraine tại Crimea đã rời khỏi khu vực này sau khi sáp nhập, còn phần lớn những người ở lại thì không muốn đứng lên đấu tranh.
Năm ngoái, ông Leonid Kuzmin đã bị bắt khi tổ chức một cuộc diễu hành nhỏ nhằm tôn vinh ngày sinh của một nhà thơ Ukraine.
Sau đó, ông bị mất việc giáo viên lịch sử và phải chuyển sang làm trợ lý nha sĩ, đồng thời ngừng tổ chức biểu tình sau khi cảnh sát Nga nhiều lần cảnh báo. Khi ông có ý định đến Kiev, binh sĩ Ukraine chặn ông lại suốt 6 tiếng đồng hồ ở biên giới và buộc tội ông là một phần tử ly khai.
Với nhiều người, lệnh trừng phạt kinh tế và cắt đứt mạng điện của Ukraine đối với Crimea càng khiến họ ghét bỏ Kiev hơn. Mặc dù không hài lòng với những gì đã diễn ra sau sáp nhập, họ không hề tỏ ra hối hận.
Ông Zubkov sinh ra tại Nga, nhưng học tập tại Kiev và kết hôn với một phụ nữ Ukraine.
Ông nói, ông từng có thiện cảm đối với Ukraine, tuy nhiên những biểu ngữ chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong cuộc biểu tình Maidan và hình ảnh tương Lenin bị chính quyền Kiev mới kéo đổ khắp nước khiến ông ủng hộ việc Crimea sáp nhập vào Nga.
“Tôi nhớ lại lúc mình đi ngang qua quảng trưởng Maidan và thật sự mà nói, đó là một cảnh tượng đáng sợ. Đương nhiên hiện tại có nhiều người đang rất thất vọng, nhưng tôi vẫn nghĩ đi việc trở thành một phần của Nga là một bước đi lịch sử đúng đắn”, ông nói.
Ông vẫn hi vọng Moscow có cách giải quyết những vấn đề trong khu vực, nếu không ông sẽ phải bán hết tài sản doanh nghiệp và bỏ lại những con thú mà mình đã dày công nuôi dưỡng.
Một quan chức trong chính quyền thành phố Sevastopol cho biết: “Vẫn có nhiều người dân tỏ ra không mặn mà với thể chế chính trị của Nga, nhưng điều quan trọng là từ nay về sau, họ luôn luôn là một phần của Nga”.