Có bằng chứng từ trong Thổ Nhĩ Kỳ tố nhà Erdogan "đi đêm" với IS

My Lan |

Nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã sẵn sàng công bố các bằng chứng cho thấy mối liên hệ mua bán giữa gia đình Tổng thống nước này Erdogan và IS.

Eren Erdem, nghị sĩ đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP), đảng đối lập lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định ông đã tìm thấy bằng chứng chứng tỏ con rể của Tổng thống Erdogan, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Berat Albayrak mua dầu bẩn từ IS.

Nghị sĩ này khẳng định, các điều tra của ông vẫn đang tiếp tục được tiến hành. "Tôi có thể nói rằng, khả năng rất cao là Berat Albayrak có liên hệ với đường dây cung cấp dầu mỏ của khủng bố IS".

"Có một công ty đặt trụ sở tại Erbil, năm 2012 đã mua các xe tải chở dầu và hiện đang bị các máy bay của Nga ném bom. Tôi đang xem xét hồ sơ của công ty này. Nó có các đối tác ở Thổ Nhĩ Kỳ và tôi đang kiểm tra các mối liên hệ giữa nó với Albayrak".

Ông Erdem nhấn mạnh rằng ông sẽ đưa ra các kết luận điều tra của mình vào tuần tới và sau đó tổ chức một cuộc họp báo để công bố chúng.

"Cuộc điều tra này nhằm tìm ra các hoạt động bất hợp pháp trong lĩnh vực buôn bán dầu mỏ của nước ta".

Ông này cũng tố cáo kể từ khi ông bắt đầu nói tới các mối liên hệ có thể có giữa Albayarak và IS, ông đã trở thành mục tiêu của các cuộc "tấn công" trên các phương tiện truyền thông thân chính phủ.

"Tờ báo Takvim gọi tôi là con rối của Mỹ, điệp viên của Israel, kẻ ủng hộ PKK (lực lượng người Kurd), kẻ chủ mưu đảo chính...

Tôi luôn coi việc người ta "chĩa mũi dùi" vào mình là để hạ bớt tầm quan trọng của tôi,  phá danh tiếng của tôi trong mắt công chúng, bởi cuộc điều tra của tôi là mối đe dọa thực sự với chính phủ.

Phản ứng tiêu cực và mạnh mẽ như vậy cho thấy giả định của tôi là đúng và tôi đang đi đúng hướng trên con đường tìm ra sự thật".

Ông này nhấn mạnh, phản ứng của các cơ quan truyền thông thân chính phủ chỉ khiến ông càng cảm thấy mình cần phải điều tra tới cùng.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ cáo buộc từ Nga rằng gia đình ông và một vài thành viên trong chính phủ mua dầu lậu từ IS.

Washington cũng lên tiếng bênh vực Ankara và cho rằng, dầu lậu chủ yếu được tiêu thụ "chui" trong các vùng chiến sự ở Syria và Iraq.

Ông Amos Hochstein, đặc phái viên Mỹ và là điều phối viên các vấn đề năng lượng quốc tế cho rằng, "lượng dầu mỏ đang được buôn lậu vào Thổ Nhĩ Kỳ là rất thấp, giảm dần qua thời gian và không đáng kể cả về số lượng lẫn doanh thu.

Tôi không tin có buôn lậu quy mô lớn giữa những khu vực Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát với Thổ Nhĩ Kỳ".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại